Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

NGÀY ẤY – TÔI ĐÃ GẶP ÔNG LINH PHƯƠNG TÁC GIẢ BÀI THƠ PHỔ NHẠC “ KỶ VẬT CHO EM “

NGÀY ẤY – TÔI ĐÃ GẶP ÔNG LINH PHƯƠNG TÁC GIẢ BÀI THƠ PHỔ NHẠC “ KỶ VẬT CHO EM “ - Nguyễn Thụy Bích Hạnh -
Tôi nhớ ngày ấy, vào những năm cuối thập niên 60. Tôi học trường nữ trung học Gia Long ( một trong những trường công lập nổi tiếng nhất Sài Gòn như : Trường nữ trung học Gia Long, nữ trung học Trưng Vương…), tôi đã đọc thơ của nhà thơ Linh Phương. Đó là năm 1967, tôi đọc thơ ông trên những tờ nhật báo, tuần san hay bán nguyệt san phát hành tại thủ đô Sài Gòn. Đám nữ sinh trường tôi, trường Trưng Vương, trường nữ trung học Lê Văn Duyệt mấy đứa bạn tôi đều mê thơ ông.Thường thường, những chiều chúng tôi đi ngang ngã sáu Sài Gòn nơi phát hành toàn bộ báo chí, giở từng tờ báo để xem có thơ Linh Phương mới mua. Mà ngày nào như ngày nấy, thơ ông đăng thường xuyên ít nhất trên 3 tờ báo. Tôi thích bài thơ “ Phượng Sài Gòn “ đăng trên nhật báo “ Ngôn Luận “ hay bài “ Áo tím mùa thu “ hay những bài thơ đăng trên báo “ Báo Đen “ do thi sĩ Nguyên Sa phụ trách. Dễ thương nhất là những bài “ Napoléon và Joséphine “ ; “ Trương tiểu thư “. Với tên Đoàn Đình Tây Phố hoặc Phạm Nguyễn Hà Đông. Đám nữ sinh chúng tôi chép thơ ông trong những quyển tập dày, trình bày thật đẹp và viết chữ thật cẩn thận.Trường Gia Long tôi có bút nhóm Áo Trắng do Uyên Mai , Hoàng Oanh …; còn Trưng Vượng thì nhóm “ Hoa Phượng “ với Uyên Ly, An Khanh. Riêng ông là trưởng nhóm Văn nghệ Hoa Đông Phương-một nhóm mà nữ chiếm ưu thế. Tôi vẫn nhớ, tôi gặp ông trong trường hợp như là một định mệnh rất tình cờ. Tôi từ bến xe bus bước qua vòng xoay Quách Thị Trang, ông chạy xe Honda trờ tới, tôi bước lui. Thế là, ông không thể nào tránh cho được , ông đụng tôi té xuống đường. Ông lật đật dựng xe đỡ tôi đứng lên. Tôi nhìn ông, người chiến binh thật oai hùng ( đa số nữ sinh thời bấy giờ rất thích là người yêu của lính ), quân phục rằn ri sóng biển, mũ nhung xanh với phù hiệu Thủy Quân Lục Chiến và phiên hiệu tiểu đoàn “ Thần Ưng Cảm Tử “. Bảng tên “ Linh Phương “ màu đen lóng lánh kim tuyến .Ông rất đẹp trai, khuôn mặt trẻ rất trẻ và dễ thương vô cùng.Ông không ngớt xin lỗi tôi khi khuỷu tay áo dài trắng tôi bị rách , khuỷu tay tôi rướm máu. Tôi tức cười, vì ông chỉ biết xin lỗi tôi thôi. Ôi ! Tại sao không nói gì khác hơn nhỉ ? Tôi nói : - Ông chỉ biết xin lỗi em thôi à ? Lúc này ông mới cười : - Vậy tôi biết làm sao bây giờ ?; “ Tay áo em rách rồi, ông tính sao ? “. Ông gãi đầu. Thấy tội nghiệp ông quá, người lính Cọp Biển ngoài chiến trường dữ dằn cách chi mà ở hậu phương, trước con gái ông lại hiền lành như cục bột.” Thôi, ông đi đi ông Linh Phương tác giả Kỷ Vật Cho Em. Em rất hân hạnh được gặp ông, hân hạnh dù bị rách tay áo .Bởi tụi bạn em nói ông rất kiêu ngạo, mấy lần tụi nó gặp ông , tụi nó chào mà ông ngó lơ đi luôn “: “ Cô lên xe tôi đưa cô về “. “ Dạ thôi, em đang bận vào chợ Bến Thành mua chút vật dụng. Hẹn ngày gặp lại ông nhé ! “.” Cám ơn cô nhé “. Đó là lần tôi gặp ông đầu tiên cũng là lần cuối cùng. Ông đánh trận liên miên, nay chỗ này,mai chỗ khác. Người lính tác chiến như ông ít khi thong thả ở Sài Gòn như những người lính khác. Mấy lần, tôi đến hậu cứ Tiểu đoàn của ông, nhưng lần nào ông cũng hành quân, tôi thì đang học Văn khoa, không thời gian theo gót giày saut bốn vùng chiến thuật của binh chủng ông. Những ngày cuối tháng 3- 4 năm 1975, nghe tin một nhóm quân nhân Thủy Quân Lục Chiến tự sát chết tập thể tại bãi biển vì không đầu hàng đối phương, tôi đã khóc. Không biết ông còn sống hay đã chết trong những người anh hùng kia. Ông Linh Phương ơi ! Một lần gặp ông như là một định mệnh, em luôn nhớ đến khuôn mặt ông, khuôn mặt thật thánh thiện như tấm ảnh anh mặc quân phục chụp năm 1970. Em luôn cầu nguyện cho ông chân cứng đá mềm trên bước đường quân ngũ. Ông là người của công chúng, một nhà thơ tài hoa có một tác phẩm bất hủ làm rúng động giới yêu thơ, yêu nhạc trong chiến tranh Việt Nam. Em cầu nguyện cho ông sẽ sống, dù phải sống trong đau khổ của những người lính tan hàng. Ông sống trong lòng công chúng, và đã gần nửa thế kỷ trôi qua “ Kỷ Vật Cho Em “ vẫn bất tử . Bây giờ, em được biết ông còn sống, còn khỏe mạnh là em rất vui-người lính anh hùng ngày xưa không bao giờ chết. Cám ơn ông đã để cho đời một tác phẩm sống mãi theo thời gian. .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét