Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

NGUYÊN SA - THẾ GIỚI CỦA TÌNH YÊU MƠ MỘNG



*Bài của Thái Tú Hạp

Miền Trung của những năm 1960 đến 1963, không khí chiến tranh mỗi ngày mỗi khốc liệt bủa vây ở nông thôn. Ở thành phố ngột ngạt căng thẳng những cuộc xuống đường của sinh viên. Tuổi trẻ cảm thấy buồn bã cô đơn. Trong những quán cà phê, những chàng thanh niên để tóc dài ngồi gục đầu trên những trang sách triết của Jean Paul Sartre, của Camus...bồng bềnh đắm đuối trong không khí đầy bi quan nhạc Trịnh Công Sơn... Khói thuốc mù mịt...bên ly cà phê phin nhỏ giọt như máu đen sầu thảm...và buồn nôn. Ở những lớp thanh niên thanh nữ khác đi tìm lối thoát nội tâm thực tiễn hơn trong các tạp chí Văn, Nghệ Thuật, Sáng Tạo, Hiện Đại, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi, Gió Mới... xuất bản ở Saigon gởi ra. Những luồng gió văn chương nầy đã thổi tới những cánh đồng hoa rực rỡ, những say mê đằm thắm mới mẻ, đã là những giòng sông êm mát giữa mùa hạ oi nồng. Là lúc những thủy triều dâng lên theo vầng trăng tỏa sáng. Đã làm vơi đi những hình ảnh Dũng - Loan trong Đoạn Tuyệt, mối tình đầy siêu nhiên thánh thiện trong Hồn Bướm Mơ Tiên, xa dần Trống Mái... Và thực sự đã trấn áp những say mê của Tự Lực Văn Đoàn. Tuổi trẻ đã bắt đầu yêu những sáng tác văn thơ của Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Sỹ Tế, Hoàng Trúc Ly, Thanh Nam...Và nhất là NGUYÊN SA. Sự xuất hiện những bài thơ tình của Nguyên Sa thật đúng lúc, đã lôi cuốn nỗi cô đơn chung vào cái thế giới thơ mộng của tình yêu: 


...Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mù ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc...


Sự đau thương và hủy diệt cận kề tình yêu có phải là ly rượu hồng thoáng say trong chốc lát để rồi chia ly biền biệt: 


...Không có anh nhỡ ngày mai em chết
Thượng Đế hỏi anh sao tóc em buồn
Sao tay gầy, sao đôi mắt héo hon
Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục...
(Cần Thiết)


Cũng như Xuân Diệu thời kỳ tiền chiến đã biết chọn cho mình một chỗ đứng riêng rẽ, đó là thế giới của tình yêu. Và chính sự lựa chọn khôn ngoan nầy tên tuổi Xuân Diệu đã vượt thoát ra khỏi giới hạn không gian thời gian và ở trong tâm hồn nhiều thế hệ. Từ khi loài người biết yêu nhau là lúc những vần điệu ca ngợi tình yêu trở thành vĩnh cửu. Ngay trong kho tàng văn học bình dân Việt Nam, những câu ca dao, những câu hát quan họ, những bài hò Huế, hò Quảng...đề cập đến tình yêu đều đã khắc sâu trong tiềm thức dân gian. Cho đến bây giờ, ít ai quên được những ý tình thật dễ thương của đôi trai gái nơi thôn dã: 


...Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay...

...Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân...

...Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà...


Mỗi thi sĩ Việt Nam bước vào thế giới vần điệu đều đã hơn một lần đi vào ngưỡng cửa tình yêu. Có tình yêu mới tạo nên cảm xúc để sáng tác. Từ thuở nhìn em tóc để đuôi gà, nhảy từng bước chân chim trên thảm cỏ xanh sân trường đã làm cho tâm hồn chàng thanh niên ngẩn ngơ và đã bắt đầu cảm thấy cuộc đời chớm vui buồn vu vơ: 


...Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào...tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ...
Tôi phải dỗ như là...tôi đã nhớn

...Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím...
(Tuổi Mười Ba)


Qua bao nhiêu thử thách thời gian, trong thế giới thơ tình của Nguyên Sa, nhiều người đều công nhận “Áo Lụa Hà Đông” có một vị trí đáng kể trên văn đàn. Khi những Thái Thanh, Lệ Thu, Duy Trác cất tiếng hát mọi người đều nghĩ đến Nguyên Sa. Ngô Thụy Miên hòa nhập thực sự nỗi rung động khi đưa bài thơ này vào thế giới âm nhạc. Và đã thăng hoa tuyệt vời lan xa trong yêu thích của quần chúng: 


...Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

Em không nói đã nghe từng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

...Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng...
(Áo Lụa Hà Đông)


Thơ Nguyên Sa được xem như thời thượng của tuổi trẻ thuở đó. Thể thơ tự do Nguyên Sa dùng rất mới lạ. Gọi người tình là “Con chó ốm”, là “con mèo ngái ngủ trên tay anh” một lối xưng hô trìu mến rất là Tây Phương: 


...Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm...
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển...


Nguyên Sa đã du học tại Paris đến cuối 1956 trở về từ tả ngạn sông Seine, từ mái trường danh tiếng Đại Học Sorbonne. Trong mỗi con người đều có sự mâu thuẫn kỳ lạ “đứng núi nầy trông núi nọ”, nao nức trở về quê hương và khi đã sống với quê hương lòng lại vương vấn kinh thành ánh sáng. Không biết đã có đôi mắt xanh nào làm cho nhà thơ “Áo Lụa” tương tư? 


...Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

...Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen...


Ngôn ngữ thật mới, thật lả lướt một cõi an bình mộng mơ tạo nên một thế giới diễm tình, chiến tranh bị đẩy lùi xa ngàn dặm: 


...Em có hoa lan giữa tóc thề
Mặt trời xen kẽ đón tay che
Phương Đông vào chỗ hồng trên má
Chiều xuống lưng chừng mái tóc thưa...
(Hải Âm)

...Anh nhớ em ngồi áo trắng thon
Ngàn năm còn mãi lúc gần quen
Em gầy như liễu trong thơ cổ
Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường...
(Em Gầy Như Liễu Trong Thơ Cổ)

...Thiên đường có chỗ màu đen
Anh nằm nghe thấy vẫn còn tiếng mưa
Tiếng trời gõ nhịp tiếng trưa
Tiếng cho sâu thẳm tiếng khuya tuyệt vời...
(Bất ngờ)


Trước thời kỳ 75, thỉnh thoảng tôi mới có cơ hội vào Saigon và mỗi lần như thế đều gặp Du Tử Lê, Viên Linh, Hồ Trường An, Huy Tưởng...và thường nhắc nhở đến nhà thơ Nguyên Sa và dĩ nhiên đều ca ngợi anh rất thành công và ngoạn mục về nhiều phương diện như dạy học, làm báo, làm thơ... Sang Hoa Kỳ với đời sống mới lưu vong nơi đất khách, nhà thơ Nguyên Sa vẫn lẫy lừng ở nhiều sinh hoạt như chủ nhiệm, chủ bút Tạp Chí Đời, Phụ Nữ Mới và Tuần Báo Dân Chúng. Giám đốc Trung tâm băng nhạc Đời với những tuyển chọn ca sĩ, nhạc phẩm rất công phu và khởi sắc hơn các trung tâm khác.

Trong một bài viết về nhà thơ Nguyên Sa, trên tạp chí Văn, nhà văn Mai Thảo đã nhắc đến những kỷ niệm:

”...Một đêm tháng trước, nhà hàng Doanh Doanh của vợ chồng Thái Tú Hạp trên Đại Lộ Hoàng Hôn đãi cơm tối ra mắt thân hữu tuyển tập Thơ Văn Hải Ngoại. Tới phần thơ nhạc tạp lục, sau tiếng hát Khánh Ngọc và tiếng đàn Nguyễn Đức Quang, tôi có đi cùng Nguyên Sa lên máy vi âm. Đứng cạnh, chia nhau mỗi thằng đọc một khúc thơ tình của bang trưởng Phúc Kiến. Đọc thơ. Đùa nghịch với thơ. Thơ anh nằm xem tuồng cải lương, em không quần không áo. Thơ năm thằng cùng tắm giờ đứng tắm một mình. Đọc thơ. Đùa nghịch với thơ. Tôi vẫn thích lắm những phút đùa nghịch như vậy. Cho thoải mái không khí, thân mật bạn bè. Cho đêm xuống đã xuống với nhân thế ở ngoài kia, đêm tối bớt buồn, và bớt lạnh với người. Đùa nghịch, riễu bạn, riễu luôn cả chính mình. Để câu nói Nguyên Sa “Chúng mình già hết rồi”. Phải có lúc không đúng. Hoặc một cách nào thôi, tâm hồn ta vẫn trẻ. Mấy phút trước máy vi âm tối đó mà Nguyên Sa gọi hai đứa tôi là Laurel và Hardy, tôi thấy tôi trẻ thật. Nguyên Sa cũng vậy. Mấy phút trước máy vi âm tối đó, tôi thấy lại cái tôi đầu, những ngày Sáng Tạo trẻ trung phơi phới. Và thấy lại cái phần trước sau tôi thích thấy nhất và yêu mến nhất ở Nguyên Sa. Đó là mấy chục năm về trước. Nguyên Sa mới ở Pháp về, Trịnh Viết Thành đem tới. Đưa bài thơ đầu tiên. Và sau đó đã cùng chúng tôi đi vào cuộc phiêu lưu đầy hào hứng tới những chân trời văn chương tuổi trẻ mênh mông...”

Cũng chính trong thời gian này, mỗi cuối tuần chúng tôi đều đón tiếp anh chị Nguyên Sa đến Los Angeles ghé tạt qua Doanh Doanh quán, uống tách trà, nói vài mẩu chuyện vui văn nghệ. Những lúc như thế, tôi khám phá nơi anh những nét trầm tĩnh, đạo mạo đúng cái phong cách nhà giáo, một thi sĩ nhân hậu, một người đàn anh lúc nào cũng nâng đỡ tận tình và hay bênh vực nhau trọn nghĩa đệ huynh. Tuy nhiên, Du Tử Lê nhận xét về Nguyên Sa “ngó vậy mà không phải vậy”. Anh rất tốt với anh em và sẵn sàng bao dung với bằng hữu, nhưng với cuộc đời, với những kẻ chơi xấu anh em, anh sẵn sàng ra chiêu bảo bọc, anh sống rất sòng phẳng, đã từng là Triệu Tử Long trong những trận bút chiến làm kinh hoàng đối thủ. Cõi thơ là cõi đùa chơi với chữ nghĩa. Cuộc đời là những ân oán phân minh. Nếu cần “Áo Lụa” là thanh kiếm trên tay. Nhận xét đó tôi cảm nhận đúng vì ngay trong tuần báo Saigon Times hay Tuyển Tập Thơ Văn Phật Giáo do tôi chủ trương cũng đã vấp phải khuyết điểm khi đăng thơ thiếu sót vài chữ, vài câu làm mất giá trị bài thơ của Nguyên Sa vì không kiểm soát kỹ lưỡng và quá tin vào đả tự viên. Đối với người khác sẽ bực tức ngay, nhưng đối với Nguyên Sa thì không. Anh vẫn giữ nguyên tình cảm, xem như không có gì xảy ra khi đối diện và cũng không bao giờ nhắc đến.
Ngoài những tập thơ Nguyên Sa đã ấn hành, Nguyên Sa cũng đã cho phát hành trường thiên “Giấc Mơ” mà theo ông: “Giấc mơ không phải là tập hồi ký, không phải tiểu thuyết Lịch Sử, cũng không phải Phóng Sự Tiểu Thuyết. Nó cũng không dính dáng một chút nào đến thực tại...được mô tả như những nét tô vẽ sản phẩm tưởng tượng của người viết...”. Nhưng Nguyên Sa vẫn hãnh diện khi đề cập đến hình ảnh: ”...Dân tộc tôi sẽ đứng dậy trên đồng bằng, bay trên núi non, vùng vẫy ngoài biển khơi. Tự Do. “Dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản”. Dân tộc tôi đang ước mơ. Tôi vẫn đang ở trong đó. Và tôi đang ước mơ...”.

Không phải chỉ có Nguyên Sa ước mơ mà cả dân tộc từ trong nước đến hải ngoại đều ước mơ được nhìn thấy thanh bình thực sự trở về trên mảnh đất đầy đau thương và nghiệt ngã. Tình yêu vẫn là sức sống mãnh liệt và vĩnh cửu của loài người. Không có cảnh trí nào đẹp và thơ mộng bằng hình ảnh tình yêu hồn nhiên và lãng mạn, nẩy nở trong tâm hồn Dân Tộc, một Dân Tộc mà mỗi công dân sinh ra và lớn lên được nuôi dưỡng bằng chất liệu thi ca, bằng tình thương của Mẹ. Tình yêu vượt thoát lên mọi chủ nghĩa, mọi hận thù, Tình Yêu như đóa hoa nở rộ trong trái tim giữa Con Người và Con Người xinh đẹp như dải Trường Sơn, như những giòng sông Cửu Long, Hương Giang, Hồng Hà đang cuồn cuộn vào biển lớn mùa Xuân bất diệt của Dân Tộc: 


...Anh biết rằng:
Có người khóc vì mừng vui ước hẹn
Có người cười vì tủi cực phôi pha
Anh biết nói làm sao
Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà
Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh
Anh biết nói làm sao
Khi họ gặp nhau (anh đã bảo em)
Như Sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Vẫn tiếng sóng về nước chảy triền miên
Vẫn Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Giòng sông dài dữ dội bản trường ca...


Phải, giòng sông dài dữ dội bản trường ca
Nên sông đã về tràn đầy mắt biển
Sông đã về rửa trắng lòng anh
Đợi từ chín kiếp giao thừa
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa giòng sông
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa ngày
mùng một Tết...
.
Khi chúng tôi được nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh thông báo về sự ra đi vĩnh viễn của Thi sĩ Nguyên Sa, tôi xúc động thực sự, vì tôi mới điện thoại thăm sức khỏe anh cách đây vài ngày và biết bệnh tình đến với anh trong thời gian hơn năm qua, hành hạ anh đủ chuyện về thể xác. Bệnh thì mặc kệ, anh xem như không có gì xảy ra, như mọi cuộc chơi trong đời sống, anh đã từng bày biện nhiều sáng tạo bất ngờ, gây nhiều ngạc nhiên với mọi người. Thơ của anh gần đây vẫn thấp thoáng tình yêu, nhưng nhẹ nhàng siêu thoát hơn: 

...Tiếng chiều trên ngọn phi lao
Giọng ca em gởi đã vào trong tim
Khi về nhớ ghé ngăn trên
Miệt tâm thất trái đường lên huyệt đào...
(Cuộc Chơi)

Này đây hữu ngạn làm thơ
Còn kia tả ngạn ngồi chờ tin em
Cái người năm ấy em quen
Phân thân nửa ở bên em nửa về,
Cây tây chết ở sơn khê
Cây đông tróc gốc cành chia lá vàng
Một đời mấy nhánh Tầm Dương
Ngàn đêm gọi miết mỗi triền mỗi đau
(Phân Thân)

Bình minh có buổi cũng buồn
Con sông đổi mặt giận hờn bỏ đi
Ta ngồi ở khúc rừng kia
Lúc đo âm hưởng, khi chia lá vàng
Rừng đo với núi chiều ngang
Khi ta tựa núi chỉ còn chỗ cao
Đá to rớt gốc cây đào
Ta mang trả núi, vẫy chào cố nhân...
(Cố Nhân)


Nhiều bài lục bát trong tập ba thơ Nguyên Sa chúng ta tìm thấy những tư duy trầm mặc phương Đông, những ray rứt thiền vị, phảng phất vô vi của Lão, muốn tĩnh lặng như giòng sông nhưng con nước vẫn rạt rào thao thức trăm nhánh vời xa. Cái đùa nghịch dễ thương. Cái gần xa đã hòa nhập. Cái đi về là một nẻo Chân Như. Cái không và có đều vô nghĩa. Cái tiểu và đại đã không còn, thì Niết Bàn và Thiên Đàng cũng chẳng khác nhau chi. Chuông Giáo Đường hay chuông Chùa cũng đều tiếp dẫn hương hồn đến nơi an nghỉ thiên thu.

Khi còn tại thế, anh và anh Mai Thảo là hai người bạn thân chủ trương hai tạp san Văn Học Hiện Đại và Văn lẫy lừng trước 75 ở quê nhà. Người ra đi sau tháng 4.75 và người đến Hoa Kỳ năm 1982, cả hai đều tiếp tục cuộc chơi văn chương tại California, Hoa Kỳ. Ngày anh Nguyên Sa mất đi đúng 99 ngày anh Mai Thảo đã nằm xuống và hai anh đã chọn một chỗ nằm gần nhau trong nghĩa trang Westminster Memorial Park. Chúng tôi đã đến nhìn anh lần cuối. Anh nằm như ngủ thật thanh thản, không còn vướng bận chuyện buồn vui nhân thế. Như căn nhà trống hoang vu bỏ lại sau khi người chủ đã ra đi. Tất cả chỉ là phù vân. Nhưng những bài thơ tình tuyệt vời của Thi sĩ Nguyên Sa vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người ở khắp nơi. Những bài thơ lụa là tình ái đã được các nhạc sĩ tài danh chắp thêm đôi cánh bay lên như những con phượng hoàng rực rỡ trên đỉnh non cao. Và cứ mỗi lần tiếng hát của các ca sĩ vang lên những “Paris có gì lạ không em...”, “Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...”, ”...Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc...áo nàng xanh tôi mến là sân trường...” là y như Nguyên Sa hãy còn đâu đó đang mỉm cười và gật đầu với chiếc mũ vừa nghiêng xuống...thơ anh ở chung quanh chúng ta trong đời sống, bằng hương vị tình yêu ngọt ngào, và tình quê hương nồng thắm.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

NHỮNG BÀI THƠ CUỐI CÙNG CỦA NGUYÊN SA




Nhà thơ Nguyên Sa đã yên nghỉ mười năm ở California. Mọi vui buồn và được mất cũng đã lắng dịu đi, đủ để những người bây giờ bình tâm phác thảo một chân dung thơ Nguyên Sa. Ông đã đến với chúng ta, đã sống với chúng ta, đã rời xa chúng ta, và đã gửi lại những câu thơ dâng hiến cả cuộc đời.
Bài của Tuy Hòa - 
Thi sĩ Nguyên Sa (tên thật Trần Bích Lan) sinh ngày 1/3/1932 tại Hà Nội, mất ngày 18/4/1998 tại Mỹ. Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: "Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt…". Vì vậy, để hiểu Nguyên Sa không có phương pháp nào đáng tin cậy bằng sự nghiêm túc đọc lại thơ Nguyên Sa.
Xuất thân từ một gia đình không liên quan gì đến văn chương nghệ thuật. Năm 17 tuổi, Nguyên Sa sang Pháp du học. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông ghi danh vào khoa Triết, ĐH Sorbonne. Và cuộc hạnh ngộ với bà Trịnh Thị Nga đã biến ông thành thi sĩ. Bài thơ nổi tiếng đầu tiên của Nguyên Sa cũng là bài thơ đính hôn. Bài thơ có tên Nga được in vào thiệp cưới của họ năm 1955: "Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô. Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi". Năm 1956, ông bà đưa nhau về Sài Gòn sống bằng nghề dạy học. Không chỉ giảng dạy môn Triết cho các trường trung học, họ còn mở ra hai trường tư thục Văn Học và Văn Khôi. Với quan niệm bản thân "vốn dĩ chỉ là hạt cát", Trần Bích Lan lấy bút danh Nguyên Sa và ngay lập tức lừng lẫy trên thi đàn.


Nhà thơ Nguyên Sa và vợ


Có thể do sự tình cờ hữu duyên, những bài thơ phổ nhạc của Nguyên Sa lan tỏa rất nhanh vào đời sống, và cho đến tận hôm nay, nhắc Nguyên Sa là người ta nghe vang lên trên môi Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn. Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh (Áo lụa Hà Đông), hoặc Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường (Tuổi mười ba); hoặc Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm. Chả biết tay ai làm lá sen (Paris có gì lạ không em) và Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn. Nếu em sợ thời gian dài vô tận (Tháng sáu trời mưa).
Những bài thơ được phổ nhạc ấy cứ bồng bềnh từ thế hệ này sang thế hệ kia, khiến nhiều bài thơ khác của Nguyên Sa ít nhiều bị che khuất, kể cả những câu thơ độc đáo miêu tả chiếc áo dài dân tộc Có phải em mang trên áo bay. Hai phần gió thổi, một phần mây. Hay là em gói mây trong áo. Rồi thở cho làn áo trắng bay. Tuy nhiên, nếu đọc thơ Nguyên Sa viết sau năm 1975 ở hải ngoại, vẫn nhận ra nét hào hoa riêng biệt. Trong tập Hoa sen và hoa đào được sáng tác khoảng thời gian 1982-1988, có những câu thơ mang đậm phong cách Nguyên Sa như Anh nhớ em ngồi áo trắng thon. Ngàn năm còn mãi lúc gần quen. Em gầy như liễu trong thơ cổ. Anh bỏ trường thi lúc Thịnh Đường hay Phương Đông vào chỗ hồng lên má. Chiều xuống lưng chừng mái tóc thưa.
Nguyên Sa từng xuất bản cuốn sách biên khảo triết học Descartes nhìn từ phương Đông, nhưng trả lời phỏng vấn của nhà văn Vũ Bằng vào năm 1972, thì ông vẫn khẳng định: "Nói triết lý sa sả, e rằng sẽ là người tự kiêu. Nhất là trong thơ, càng nhiều triết lý càng mất tính cách của thơ. Theo tôi, thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng".
Suy nghiệm đó được Nguyên Sa thể hiện rất rõ trong những bài lục bát. Thơ Việt Nam đã từng tự hào về lục bát Nguyễn Du, lục bát Nguyễn Bính, lục bát Huy Cận thì có lẽ những ai yêu thể thơ truyền thống cũng cần lưu ý lục bát Nguyên Sa. Sáu chữ và tám chữ được Nguyên Sa vận hành khá tự nhiên và nhịp nhàng đến mức phẩm chất thi ca tuôn chảy vào lòng độc giả một cách bất ngờ. Khi gặp Mây hồng bâng khuâng Những chiều sương kín đầu non. Hỏi nhau nhè nhẹ sao buồn chi em, khi muốn Tháo gỡ giăng mắc ngậm ngùi Ta nằm tháo gỡ cơn mưa. Cầu vồng tràn núi cũng vừa bắc ngang. Trong thơ ta gọi là nàng. Nói năng lẫm liệt, tình càng thâm sâu. Trời cao có núi bắc cầu. Trong ta vực thẳm cúi đầu nghe mưa, hoặc khi đăm đắm Hiu quạnh thân phận Bỏ tay vào túi buổi chiều. Lấy ra hiu quạnh với nhiều bản thân. Còn hiu quạnh chỗ mộ phần. Tấm bia màu trắng mấy lần quạnh hiu, và khi hân hoan Ngày khỏi bệnh nhận ra: Thương ghê màu áo hoa cà. Mộng mơ bật sáng trên da thịt người.
Những câu thơ mềm mại, linh hoạt và ấm áp theo suốt cả cuộc đời Nguyên Sa, và lúc đến chặng đường hoàng hôn số kiếp thi sĩ thì ông chợt ngộ Hiện tượng toàn diện để thả hồn tràn theo nghĩ suy không kịp kết nối vần điệu: Lau khô một bông hoa không phải chỉ là động tác của tay. Công việc đòi hỏi sự chú ý của thị giác, sự nhịp nhàng của hô hấp và cả sự di chuyển trong một không gian. Đối mặt với căn bệnh ung thư dạ dày hành hạ từng ngày, Nguyên Sa vẫn không rời bỏ thơ. Bài thơ Hóa học trị liệu có thể xem như một cột mốc để đánh dấu những sáng tác tạ từ nhân gian của ông.
"Tôi biết cây phong đứng ở trước cửa bệnh viện nghĩ gì
Khi những chiếc lá phong buông tay ra
Làm thành những vòng tròn nhỏ
Những chiếc lá phong màu rượu chát rơi xuống một vị trí tên là mặt đất
Gió đưa những chiếc lá phong sang một vị trí khác cũng tên là mặt đất
Như thể vật nào cuối cùng cũng chỉ có cùng một tên"
Không thể nói khác hơn rằng, 22 bài thơ viết từ đầu năm 1998 đến lúc chia tay vĩnh viễn với Nàng thơ, đã cho hậu thế thấy được một dòng chảy khác của thơ Nguyên Sa. Những câu thơ ngổn ngang và giàu chất trí tuệ, không phải đến thình lình, mà có mạch nguồn trong thao thức Nguyên Sa. Trên giường bệnh, có lẽ hơn một lần ông ưu tư về những bài thơ mình viết đã được phổ nhạc truyền tụng khắp nơi: "Tôi đã làm xong bài thơ để phổ nhạc. Nhưng bài nhạc chưa tới. Đến khi nó tới. Bài thơ nhất định bỏ đi". Thật vậy, những bài thơ sau chót của Nguyên Sa hầu như không dành cho âm nhạc, chỉ dành cho những chột dạ.
Nguyên Sa chột dạ về Mật khẩu đời mình:
"Mỗi lần Thượng đế mở toang lồng ngực và bước vào
Tôi sợ đến nín thở
Tôi sợ ông gọi cửa không được
Tôi sợ ông quên mật khẩu
Tôi sợ ông quay ra hỏi
Tôi sẽ không biết trả lời sao
Vì tôi cũng không nhớ"

Nguyên Sa chột dạ về Ký ức người vợ sắt son đi cùng ông suốt hành trình long đong duyên nợ:
"Em làm cho tà áo lượn bay màu trắng ở quê hương xưa
trở thành màu hồng
Em làm thắp lên ngọn bạch lạp vào buổi sáng
ở trong lớp học
trong những giờ khắc yêu đương"
Nguyên Sa chột dạ về những Mặt nạ chập chờn lẩn khuất
"Chiếc mặt nạ ngay sát lần da mặt, gắn vào hay tháo gỡ
đều đòi hỏi nhiều thời gian
Làn da mặt dính vào thịt xương gắn vào hay tháo gỡ càng lâu hơn
Không thể đo được thời gian tìm kiếm những chiếc mặt nạ
Ở dưới làn da mặt dính vào thịt xương"

Nguyên Sa chột dạ về
Con sông ngược xuôi bất tận miền khát vọng
"Suối cạn là nghĩa trang biết thở dài của dòng sông
Sa mạc là nghĩa trang khác, nghĩa trang biết khóc của dòng sông
Vật nào cũng có hai nghĩa trang
Một vật bao giờ cũng có hai tên
Tên nó và tên ước mơ của nó
Nghĩa trang của nó và nghĩa trang của ước mơ
Có lúc tôi thích được gọi bằng tên tôi
Có lúc tôi thích được gọi bằng tên ước mơ của tôi
Đó là lý do tôi ký tên em khi làm thơ"
Thế nhưng, niềm riêng day dứt nhất, đau đáu nhất của Nguyên sa trong những bài thơ cuối cùng là nỗi mong ngóng thăm thẳm cố hương. Như "bài thơ" Nguyên Sa đón Tết ở Wichita Falls giữa cơ hồ run rủi: Nửa khuya nàng đánh thức tôi dậy, nói dậy đi, dậy đi, giao thừa rồi. Tôi ngồi dậy. Chúng tôi mặc quần áo mới. Chúng tôi thắp nhang. Chúng tôi ngồi uống trà với nhau, ngồi tựa lưng vào nhau, hát cho nhau nghe bằng ánh sáng của những ngày mới gặp nhau. Khi nàng quay đầu lại, tôi thấy mắt nàng đỏ hoe. Mắt nàng ngơ ngác giống như mắt con vành khuyên một mình, để định hướng, bay theo những màu vàng của một rừng mai. Dường như, Nguyên Sa không còn muốn ngắt dòng hay ngắt câu, ông cứ để cảm xúc lênh loang cho kịp nhịp điệu hối hả từ trái tim mình. Và ông nghĩ về một sự Thủy chung giản dị khi hóa thân vào tro bụi: anh chỉ xin em ném dùm anh xuống những mảnh đất đầu đời, chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều, con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học. Riêng với quê nhà thơ ấu, Nguyên Sa tỉ mỉ viết sáu câu chia biệt:
"Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh
Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa
Tiễn nhau nhớ Tháng Giêng, mưa
Sông Hồng nước động bóng chưa nhập hình
Tiễn anh linh hiển u linh
Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi"
Vậy là Nguyên Sa đã yên nghỉ mười năm ở California. Mọi vui buồn và được mất cũng đã lắng dịu đi, đủ để những người bây giờ bình tâm phác thảo một chân dung thơ Nguyên Sa. Ông đã đến với chúng ta, đã sống với chúng ta, đã rời xa chúng ta, và đã gửi lại những câu thơ dâng hiến cả cuộc đời. Gần nửa thế kỷ miệt mài với thơ, Nguyên Sa canh cánh "luôn luôn làm sao để không giống mình, để trở thành một người khác mình, thì đó chính là cách thức, cách thế để trở thành chính mình".
111

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

CHUYỆN NHƯ LÀ HUYỀN THOẠI




Bài của Huyền Như
 
Năm 1969, một quân nhân TQLC.VNCH cùng toán lính dưới quyền ,trong một lần đi tiền đồn ở Chương Thiện ,bắt được một nữ giao liên bên kia chiến tuyến. Cô giao liên tên Nguyệt lúc ấy khoảng 15, 16 tuổi rất xinh đẹp, có lẽ nữ sinh ngoài tỉnh vào bưng. Người quân nhân động lòng trắc ẩn trước mỹ nhân đã âm thầm thả cô giao liên ra đi.
  “…Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân

Mai mốt này đây nơi trận tuyến

Gặp ta em bắn chớ ngại ngùng
Cuộc chiến đâu dành cho nhân nghĩa
Đời nào đạo lý với bao dung “
( Hành Quân- Linh Phương )
 Hình như vì bài thơ này mà một website đã viết, tác giả sém ra tòa án binh là vậy.
Nghe đâu năm 1970, 1971 cô giao liên bỏ rừng lên Sài Gòn tìm người quân nhân mà mình mang ơn cứu tử kia.Lúc này, cuộc chiến càng trở nên khốc liệt qua cuộc hành quân Lam Sơn 719, rồi những trận kế tiếp qua khắp vùng chiến thuật. Bóng chim tăm cá, cô giao liên đã không tìm được ân nhân của mình.Năm 1974, cô giao liên lấy chồng là một sĩ quan QLVNCH. Ở người chồng  , cô như thấy hình bóng của người quân nhân ngày nào trong lửa đạn mịt mù đã cho cô con đường sống. Rồi miền Nam thất thủ, cô theo chồng vượt biển đem theo đứa con gái vừa được sáu tháng tuổi.Cuối cùng, bao nỗi thăng trầm ,vợ chồng cô định cư ở một nước Bắc Âu.
Khoảng năm 2005, một vài website nước ngoài, xuất hiện tên Lê Thị Thu Hương với những bài thơ gây được sự chú ý của mọi người. Đọc thơ Lê Thị Thu Hương , họ suy diễn về cô:
 -Tình yêu của kẻ đến sau: Có thể là nỗi lòng của người tình khi bị ghen tức với một bóng hình trong quá khứ của người đàn ông mình yêu. 
 
Yêu anh – em đâu ngại gì thua thiệt
Yêu anh – em đâu ngại gì sóng gió bão giông
Chỉ sợ anh nhìn phía chân trời rồi bâng khuâng
Hồi tưởng lại kỷ niệm mối tình xa khuất
Để em phải khổ tột cùng và nhớ thương quay quắt
Để em phải mệt nhoài qua từng trang ký ức về anh
Người đàn ông đã bóp nghẹt trái tim em

Em bất lực níu chân anh đi về phía trước
Đừng ngoảnh lại- đừng tiếc thương những gì đánh mất
Chút kỷ niệm xưa hấp hối dưới chân mình
Bước qua đi anh!
Cắn răng thật chặt mà đau đớn bước qua
Bật máu môi cũng phải bước qua
Cắt lìa quá khứ …
( Lê Thị Thu Hương )

 -Cái đau xót của người con gái/đàn bà không thể nào bôi xóa quá khứ của một người đàn ông đã có với một người đàn bà khác. 
 
“…Khi khối u tượng bóng-tượng hình
Quặn thắt từ ng thớ thịt
Nhưng anh ơi! Sao anh không mạnh tay cắt đứt
Mầm mống ung thư giữa trái tim đầy thương tích của ngày hôm qua

Sao anh chưa chịu thoát ra
Cái tổ kén níu đôi chân mình bước tới?
Để anh cứ loay hoay tận cùng nỗi nhớ
Với một người trong ký ức xa xăm

Điều duy nhất bây giờ em muốn nói
Quên đi anh! Đừng ngoái lại sau lưng
Kỷ niệm cũ cho vào ngăn ký ức
Mối tình xưa chôn chặt tận đáy lòng …”
( Lê Thị Thu Hương )

 Một suy diễn khác : -Cô ta yêu người đàn ông lớn tuổi hơn cô, rồi cho hết... Người đàn ông đã nhận tình yêu ấy, nhưng ông cũng không thể tự mình xóa bỏ được hình bóng một người đàn bà lúc trước... Dĩ nhiên là lúc trước họ đã yêu nhau, và vì thế người đàn ông ấy không thể quên được... Mà có thể vì lý do nào đó mà hai người đã xa nhau... Người đàn bà đến sau đã phủ nhận điều ấy và cho là người đàn bà kia đã phũ phàng phụ tình người đàn ông mà bà/cô ấy đang yêu (tuyệt đối?) 
 
“…Họ nói rằng mai này em sẽ khổ
Khi yêu người đàn ông lớn tuổi như anh
Nhưng em tin ở em-tin ở chính mình
Nên nguyện một lòng thủy chung-son sắt

Em bước qua ngưỡng cửa đức hạnh
Nằm trong vòng tay anh và yêu anh đến giọt cuối cùng
........
Em bước qua ngưỡng cửa đức hạnh
Trong tình yêu của mình
Bụng em căng đầy giọt máu anh
Trái tim em căng đầy hình bóng anh

Chỉ nụ hôn thôi!
Nụ hôn mà người đàn bà nào đó làm anh đau đớn
Làm trái tim anh nứt rạn
Bởi sự hồn nhiên nhẫn tâm đến độc ác tột cùng …”
( Lê Thị Thu Hương )
 
Tình yêu của người mẹ cô ấy với người đàn ông, truyền qua cô... (và dính luôn - định mệnh!)
 
“…Em đau đớn cố níu lại trái tim thanh xuân của anh đã mất
Trái tim nồng nàn mà thời con gái mẹ da diết đợi chờ
Da diết thương nhớ
Một người đàn ông bóng chim tăm cá
Giữa mịt mù khói súng-đạm bom
Ngần ấy mấy mươi năm
Mẹ em bơ vơ giữa dòng chảy thời gian khắc nghiệt …
[Mùa xuân Khỏa Thân - L ê Thị Thu Hương ]

Hóa ra người đàn ông đó có thất nhiều người đàn bà. Mà hình như ông ấy chỉ khổ sở vì một người thôi thì phải. 
 
“…Chỉ còn em-chỉ còn em- đôi chân trần rướm máu chạy theo những người đàn bà đã rời khỏi cuộc đời anh
Đòi lại thời gian tháng năm về trước
Tháng năm chưa một ai bội bạc …
( Lê Thị Thu Hương )
  
Hình như LTTH yêu người yêu cũ của mẹ mình. Hình như thôi. Ta hãy xem thử những câu này trong bài phi trường Copenhagen:
 “…Anh nhìn thật lâu đôi mắt em-đôi mắt của người con gái ba mươi tám năm về trước
Trong cuộc chiến tranh tàn khốc
(Người con gái ấy đã sinh ra em nhờ lòng nhân hậu của anh)”.
( Lê Thị Thu Hương )
( Nguồn Vietsosu.com )

Có người lại suy diễn người đàn ông này với mẹ LTTH , sinh ra Lê Thị Thu Hương.Nhưng đó cũng chỉ là suy diễn của mỗi người khi đọc thơ Lê Thị Thu Hương.Và người ta đã suy diễn ra chữ Ph. mà Lê Thị Thu Hương thường đề tặng trong thơ của mình

“ Ph. hình như là nhà thơ Linh Phương tác giả bài Kỷ Vật Cho Em được Phạm Duy phổ nhạc “ ( Nguồn: Vietsosu.com ).
 
“… Đêm hiển linh ẩn hiện bóng hình
Hiện tại và quá khứ
Người đàn bà níu thời gian  trở lại quê xưa-chốn cũ
Nơi chiến trường đầy khói lửa-đạn bom
Ba mươi tám năm
Đứa con gái lớn lên giữa trời hoa tuyết
Như lời nguyền hình hương- bóng nguyệt
Hóa kiếp một đời bóng nguyệt-hình hương
Máu hòa máu-lệ hòa lệ -giọt dài-giọt vắn
Nợ duyên chưa dứt
Hư hư-thực thực
Người đàn bà bước ra từ cõi vô thường
Sau ba mươi tám năm dài đằng đẵng
Tìm lại những gì đã mất
Đêm hiển linh em không dám tắt
Ngọn đèn chấp chới trong mơ
Đêm hiển linh
Hóa kiếp một đời bóng nguyệt-hình hương “
( Đêm hiển linh- Lê Thị Thu Hương )
 
Bóng nguyệt – hình hương : Nguyệt là tên cô giao liên , là mẹ của cô; và Hương là Lê Thị Thu Hương.Vì thế, đọc thơ  Lê Thị Thu Hương , không ai không suy diễn bi kịch của một mối tình từ thời con gái của người mẹ ở chiến trường Chương Thiện ngày xưa với người cầm súng bên kia chiến tuyến cùng đứa con gái của mình là Lê Thị Thu Hương, như một lời phán truyền của đấng thiêng liêng.

“ …Định mệnh đã cột chặt mẹ vào bi kịch chiến tranh
Đi tìm người thương yêu hết thời trẻ dại
Định mệnh đã cột chặt em mãi mãi
Đi tiếp con đường tình dang dở của mẹ ngày xưa

Giọng cello nhấn chìm cơn mưa
Để nước mắt em yếu mềm đón nhận
Hòa cùng nuớc mắt mẹ từ tiền kiếp trở về nhân gian tưới ngập tràn trái tim vô cảm
Của anh
Và riêng anh

Ba mươi mấy năm bi kịch chiến tranh
Vẫn còn nguyên mầm mống
Có lẽ nào anh nhẫn tâm để em là bản sao lận đận ?
Thời mẹ cưu mang
Có lẽ nào anh nhẫn tâm bình thản ?
Trước tình yêu em

Giọng cello như một lời phán truyền
Rằng cuộc đời em phải tiếp nối
Những gì tồn tại trong quá khứ
Cuộc chiến tranh Việt Nam…Việt Nam… “
 ( Giọng  Cello và bi kịch chiến tranh- Lê Thị Thu Hương ) 
 
Chiến tranh đi qua mấy mươi năm rồi, nhưng ký ức về quá khứ vẫn rõ ràng trong ngăn ký ức của mỗi người sinh ra trong thế hệ đạn bom.Người quân nhân ngày ấy bây giờ cũng ở tuổi bóng xế. Bao thăng trầm đời người là một bi kịch chiến tranh-bi kịch trong nhiều bi kịch hóa thành huyền thoại. Huyền thoại một mối tình từ tuổi 15,16 của người mẹ mang hệ lụy cho người con gái sau này. Phải chăng đó là sự hiển linh kiếp này qua kiếp khác ? Phải chăng đó là nợ tình kiếp trước chưa trả xong, kiếp sau phải tiếp tục trả ?

Chiến tranh là tội ác, là thương yêu.. Người con gái giao liên bên kia chiến tuyến đã bỏ bưng biền, bỏ tháng năm chống Mỹ vào thủ đô Sài Gòn tìm người đàn ông cầm súng từng là kẻ thù của mình. Lạ lẫm từng bước chân từng bước chân con gái
 
“…Thủ đô tám nẻo đường thành
Đường nào gặp lại người cũ
Đường nào gặp lại người lính thú
Bàn chân con gái mười lăm tưa máu đi tìm
Đi tìm
Thủ đô tám nẻo đường thành
Đường nào mang mang hình bóng anh
Áo núi quần sông vai nặng gánh
Nợ núi sông –nợ ân tình
Làm sao trả được anh ơi !...”
( Câu Hỏi Sau Chiến Tranh – Lê Thị Thu Hương )

 Thế hệ của những người con gái trong chiến tranh, cũng như thế hệ thanh niên ngày ấy thật đau khổ. Cầm súng ra đi lúc tuổi 15,16,17,18-tâm hồn như tờ giấy trắng, không một chút hận thù. Kẻ thù không phải là những người Việt Nam bên này hay bên kia, mà là định mệnh của cả một dân tộc. Để rồi sau cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, là bao hệ lụy tang thương, ly tán không riêng gì của kẻ chiến thắng hay người thua trận.
 
“…Mùi anh thường trú trên thân thể em một đời
Một đời mẹ- một đời em –hai đời con gái không chồng hóa đá vọng phu
Chiêm bao nhiều đêm-nhiều đêm mất ngủ
Thèm ngực anh ,em gối đầu nằm chờ mùa xuân mặc áo lụa vàng
Đi qua lời nguyền-đi qua định mệnh mấy mươi năm
Vết thương chiến tranh Việt Nam còn rỉ máu
Trái tim mẹ -trái tim em còn rỉ máu
Không bao giờ lành lại phải không anh ?
Phải không anh ?
Phải không anh ?...”
( Câu Hỏi Sau Chiến Tranh – Lê Thị Thu Hương )
 
Đó là một câu hỏi trong nhiều câu hỏi khi kết thúc cuộc chiến mà biết bao xương máu của thanh niên và nhân dân hai miền Nam-Bắc. Cuộc chiến tranh có những mối tình không ranh giới, không chiến tuyến hóa thành những huyền thoại như là một huyền thoại. Chúng ta không được phép quên những gì của ngày hôm qua, không được phép quên những câu hỏi mà chưa ai trả lời được.Vì cuộc chiến tranh kia là có thật, huyền thoại kia là có thật như trong thơ Lê Thị Thu Hương.
 
“…anh mang trái tim Trọng Thủy
nhưng em không phải là Mỵ Châu
em không phải là Mỵ Châu
để ngày máu chảy ra biển Đông hóa thành hạt ngọc

huyền thoại kia là thật
chiến tranh kia là thật
cuộc chia ly là thật
nên lông ngỗng còn bay trắng đường kinh tuyến nối đất liền với Thái Bình Dương
Kinh thành xưa đã mất
Thần Kim quy không cứu được cơ đồ…”
( Chiến tranh kia là thật – Lê Thị Thu Hương )

SAO THIÊN THU KHÔNG LÀ...






Bài của Tường Dung
( Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên,
nhân ngày giỗ thứ 15 của anh ).
-tháng Tám, 2008-


Khi gọi Minh Thủy để nhắc về buổi hẹn đi ăn trưa vào ngày Chúa nhật hôm sau, tôi nghe giọng Thủy thật nhẹ nhàng ở bên kia: “Dung à, mày đi với tao thăm mộ anh Nhiên trước khi đi ăn một chút được không? hôm qua là giỗ của anh ấy đó, chắc lâu lắm rồi mày đâu có đi đến đó hả nhỏ?”. Tôi giật mình như vừa được nhắc nhớ đến một người bạn thân, một kỷ niệm quen thuộc, rất gần gủi, rất tự nhiên mà mình đã có và vô tình quên khuấy đi mất. Ừ nhỉ, đời sống bên này với những bận rộn, hối hả từng ngày, đôi khi có ai tình cờ nhắc đến những người bạn nào đó đã có một thời thân thiết, giao thiệp qua lại với nhau thật lâu bỗng dưng “mất tích” không gặp nữa vì hoàn cảnh, công việc hoặc dọn đi xa, tôi vẫn mừng rỡ, háo hức, chờ được nghe thêm tin tức hoặc gặp lại. Huống chi là anh Nhiên, vừa là người anh, vừa là người bạn đời quá cố của đứa bạn thân thiết nhất của tôi từ dạo còn đi học cho đến giờ. Trong phút chốc, hình ảnh cao gầy, lỏng khỏng với hai cánh tay dài quá khổ hay quơ quơ để diển tả và gương mặt cứ…nhăn nhó, bậm môi, mỗi khi nói chuyện với tôi của anh hiện ra, rõ ràng trong trí nhớ. Anh Nhiên và tôi đã có một thời gian thân thiết và cũng có một thời gian…thù nhau quá sức. Nhớ tới mối quan hệ rất ngộ nghĩnh, đầy “hỉ, nộ, ái, ố” của chúng tôi trong chuỗi ngày xa xưa ấy, tôi thật không biết phải vui hay buồn. Thời gian quả thật đáng sợ, mới đó mà anh mất đã 15 năm rồi. Lần này đến thăm anh, chắc chắn tôi có rất nhiều điều để nhắc nhớ.
Khi Thủy bắt đầu quẹo xe vào cổng của nghĩa trang Peek Family, cái âm thanh náo động ngoài đường phố bổng dưng chìm dần, rồi tắt hẳn. Trước mặt tôi là con đường nhỏ vòng theo những vòm cây rợp bóng mát, thinh lặng, nhẹ nhàng… Mặt đất là những thảm cỏ xanh mượt mà được chăm sóc cẩn thận. Ngồi cạnh Thủy đang chầm chậm lái xe đến chỗ an nghỉ của anh Nhiên, tôi thong dong ngắm nhìn một khoảng không gian an bình, thoát tục đang trải rộng quanh mình, chỉ có tiếng gió rì rào trên các tầng cây, tiếng xào xạc của những chiếc lá khô đang uốn mình trên mặt đất khi bánh xe nghiến lên. Không khí yên lành, thanh tịnh dễ khiến lòng người lắng đọng. Những lo buồn, ray rức của đời sống, của những ngày trước kia đã có bỗng dưng chìm xuống, ngủ yên. Tôi như lịm người đi với cái cảm xúc lạ lùng chợt ùa tới, cái cảm giác mà từ lâu tôi không có được… bình yên và thanh thản. Không thấy bóng người lai vãng, buổi trưa cuối tuần thế mà vắng vẻ quá! Dường như những người nằm đây đã bị đời lãng quên? Lâu lắm rồi từ ngày tiễn anh ra đến phần mộ trong nghĩa trang này, tôi chưa bao giờ có dịp để trở lại viếng thăm, kể ra là cũng quá tệ! Nhưng biết làm sao hơn? thôi thì nhờ Thủy hôm nay cho tôi cơ hội để được thăm lại người mà tôi đã từng xem như một người anh và có lúc đã xem nhau như “kẻ thù” (như tôi và anh đã từng nghĩ về nhau sau một trận cải vả kịch liệt).

Tiếng Thủy kéo tôi trở về với thực tại :

-“Chịu khó đi bộ một chút nha nhỏ, mộ anh Nhiên ở trong kia, không cho xe vô được.”.

Tôi cười:

-“Ừ thì có dịp đi excercice một chút, có sao đâu!”.

Tôi xuống xe với một tâm trạng nao nức, kích động như sắp sửa đi gặp lại người quen đã lâu rồi…thất lạc. Hai đứa chia nhau cầm bó hoa, nhang và hộp quẹt bắt đầu lần bước tìm bia mộ anh Nhiên. Nghĩa trang ở đây không choáng đầy mắt với những ngôi mộ xây cất đủ hình đủ kiểu, chằng chịt như ở Việt Nam. Các ngôi mộ ở Mỹ đều giống như nhau. Một khoảng đất cùng kích thước, nằm san sát, có hàng lối rõ ràng, tấm bia được đặt nằm phẳng phiu ngay trên mặt đất, vì thế cũng khó mà định hướng mộ của thân nhân mình nếu không biết trước.

Thủy nhắc tôi:

-“Coi chừng đạp lên mộ người ta đó nha, có khi mộ cũ quá rồi mày không thấy rõ cái mặt bia đâu.”

-“Ừ, tao biết mà.”

Tôi vừa đi vừa nhẩm đọc thử tên tuổi của những bia mộ gần bước chân mình nhất, có nhiều người chết thật trẻ, nằm bên cạnh những ông bà cụ tuổi thật cao. Nắng chói chan trên từng giòng chữ, trên những tấm ảnh đã phai màu với thời gian.

Chúng tôi dừng lại ở dưới một bóng cây với những tàn cao, to rộng, đầy bóng mát. Thủy nói:

-“Đây rồi, mộ của anh Nhiên may là được nằm ở chổ này, có bóng mát lại cũng gần chỗ có nước, thoáng và lý tưởng, chứ mộ của ông Mai Thảo ở đàng kia, trơ trụi, không có cây cối gì cả nắng nóng cả ngày, mày ơi!”

Tôi rảo mắt nhìn quanh, cố nhớ lại hình ảnh của mười mấy năm về trước. Cũng nơi này, gia đình, bạn bè, người thân của anh Nhiên có mặt đông đủ lúc hạ huyệt, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, mà lần đầu tiên tôi mới gặp mặt đã đứng ở đây đọc điếu văn, chia buồn, nhỏ lệ xót thương. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều nhân vật nổi tiếng cùng một lúc như thế. Tôi nhớ là mình đã rất xúc động khi nghe ông Phạm Duy với mái tóc bạc trắng ngậm ngùi, từ tốn nhắc đến những kỷ niệm với anh Nhiên và những bài thơ mà ông đã phổ nhạc. Tôi nhớ ca sĩ Việt Dũng đứng ở góc kia và một số người nữa nhìn tôi với đôi mắt hiếu kỳ khi thấy Thủy cứ gục đầu vào vai tôi khóc nức nở. Chắc họ thắc mắc không biết tôi là ai và có quan hệ gì với gia đình người quá cố. Và nơi đây, mẹ anh là người cuối cùng sau khi xác thân anh đã thực sự được đặt yên dưới lòng đất lạnh, đã khóc than, hối tiếc về sự ra đi của đứa con mà đến bây giờ trước sự thương tiếc, quý mến của thân hữu, của mọi người đối với anh, bà mới nhận ra con mình quả là một “thiên tài” đích thực. Nơi đây, chỗ này đã chứng kiến giờ phút cuối cùng “nghĩa tử nghĩa tận” của anh đấy mà. Những cành hoa đã thay nhau rơi xuống, phủ đầy trên nắp áo quan, những giọt lệ đã cạn khô trên mắt người đưa tiễn. Anh đã thực sự đi vào cõi thiên thu. Nơi mà anh đã cảm nghiệm được và nói đến rất nhiều từ những bài thơ đầu tiên. Tôi nhớ sau tang lễ của anh, khi mọi người lần lượt ra về, tôi đã đứng trước mộ anh một hồi lâu, nhớ đến bài thơ “Thiên thu” nằm ở trang cuối cùng trong tập “Thiên tai”, một trong những bài thơ mà tôi rất thích ngay lần đầu đọc thơ anh, bấy giờ sao mà thấm thía: 
  


“Sao thiên thu không là xa nhau?
nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
và một con đường cúp điện rất lâu.
Sao thiên thu không là chôn sâu?
nên nắng xưa còn hôn mái tóc nhầu
tôi đứng như xe tang ngừng ngập
và một họ hàng khăn trắng buồn đau…
…………………………………….
Sao thiên thu không là thiên thu
Nên những người yêu là những ngôi mồ
tôi đứng một mình trong nghĩa địa
và chắc không đành quên khổ đau!”

Quả thật, sau mọi linh đình đưa tiễn, anh đã ở lại một mình trong nghĩa trang này với những khổ đau, nghiệt ngã của cuộc đời đã được chôn vùi dưới lòng huyệt lạnh, đã cùng anh đi vào tận chốn thiên thu!
Tôi lặng lẽ cắm hoa vào cái bình đã có sẵn ở trước mộ, Thủy đi lấy nước ở một cái vòi cách đấy vài mươi bước và trở về đổ đầy vào bình hoa, tôi ngạc nhiên nhìn Thủy tưới phần nước còn lại lên trên mặt tấm bia, nhưng ngay sau đó lòng lại xúc động, bùi ngùi khi thấy Thủy dùng cuộn giấy mang theo, từ tốn lau sạch đi những bụi cát đang phủ lờ mờ trên đó. Bia mộ anh là một phiến đá làm bằng lacquer đen bóng, sau những vệt lau của Thủy đã lại sáng như gương. Tấm ảnh của anh hiện ra thật rõ ràng ở trên góc trái cùng với phần đầu của bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng” anh viết từ năm 1972 nằm ngay bên cạnh. Tôi ngồi xuống, đọc từng giòng thơ đã được viết với nét chữ khắc thật đẹp với lòng trân trọng pha lẫn xót xa: 

 “Ta phải khổ cho đời ta phải khổ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định
(Vì thượng đế từ lâu kiêu hãnh
Cầm trong tay sinh tử muôn loài.
Tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai
Thì em hỡi ngai trời ta đạp xuống)


Cũng khá thân và lại rất thích thơ anh Nhiên, nên hầu hết các bài thơ của anh tôi đều biết và thuộc lòng (hoặc ít nhất cũng vài đoạn trong mỗi bài). Riêng bài này, khi tình cờ nghe lại, trích trong bài viết “Tìm ở sao trời” của Hoàng Mai Đạt đăng trong tạp chí Văn Học và được đọc một lần trên đài radio Little Saigon hồi tháng 6, tôi đã ngậm ngùi, chợt nhớ ra: anh Nhiên đã mất lâu lắm rồi! Nghe nhắc đến bài thơ đã buồn, giờ trông thấy, đọc lại càng buồn và thấm thía hơn! Anh làm thế nào mà có thể khẳng định rằng cuộc đời mình là “phải khổ” “phải ê chề” và nhất là “phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định” từ năm mới vừa 20 tuổi?
Thủy vỗ nhẹ vai tôi, đưa mấy nén nhang và dặn dò:

“Mày khấn xong rồi cắm cho anh Nhiên vài cây, còn lại chừa để lát nữa đem cắm ở những ngôi mộ khác nha.”

Từ ngày qua Mỹ, thực sự tôi cũng rất ít, hay nói hẳn ra là không có dịp nào để vào nghĩa trang thăm mộ người chết như thế này, trừ những lần đưa tiễn, cầu nguyện ở nhà quàng trước khi hạ huyệt, nên có Thủy nhắc nhở cũng đỡ phải lúng túng.

“Khấn gì đây? Liệu anh có còn quanh quẩn đâu đây để nghe tôi nói không?” Tôi với anh từ lúc mới quen biết đến khi anh mất đi, có lúc đã chuyện trò vui vẻ, đã “cải vả” thật nhiều, có lúc lại không thèm nhìn mặt hoặc nói với nhau lời nào. Hơn nữa, tôi đã không gặp anh ít ra cũng gần ba năm trước khi anh mất, anh giận tôi đã không cho tin tức gì của Thủy, tôi giận anh đã đối xử với đứa bạn thân của tôi và là vợ con anh quá…hờ hững, vô tình! Và như thế chúng tôi cứ như là “ân đoạn nghĩa tuyệt” từ đó. Không ngờ, chỉ một thời gian sau, anh đã tự rời bỏ cuộc đời quá sớm và dễ dàng như những bài thơ anh đã viết vậy!

Tôi cầm mấy nén nhang, mắt đăm đăm nhìn vào di ảnh của anh, thì thầm những lời không chuẩn bị mà vẫn nói thật suông sẽ như là đang có anh trước mặt:

“Anh Nhiên à, chắc rằng ở chốn “miên trường, vĩnh cửu” nào đó, anh đã quên hết mọi thống khổ, lụy phiền của nhân gian, đã được hưởng sự an vui, cực lạc đời đời rồi. Mong anh cũng quên và tha thứ cho những gì anh em mình đã hiểu lầm, giận ghét nhau trong quá khứ. Hãy ngủ yên và thanh thản trong“cõi thơ” trên chốn thiên đàng của anh. Hãy phò trợ cho Thủy và các con anh, giữ gìn, nâng đỡ chúng để chúng khôn lớn, vững chải, có sức mạnh, niềm tin mà vượt qua mọi thử thách của cuộc sống, đừng để chúng vấp ngã, trầy sướt và đau đớn nha anh.”

Mắt tôi bỗng nhòa đi với ý tưởng là tôi đã nói được điều mình muốn nói với anh mà trước kia đã không có dịp. Lời xin lỗi rất chân thành. Dù gì tôi, Thủy và anh cũng có cái “duyên” với nhau trong một khoảng đời dù không dài lắm nhưng cũng không thể gọi là ngắn ngủi. Và cứ thế, những hình ảnh xa xưa bỗng quay về trong ký ức thật nhanh như những đoạn phim rời vừa được ráp nối.


Tôi nhớ lần đầu tiên, lúc anh vào lớp tôi để giới thiệu tập thơ “Thiên Tai”. Tôi đã ngạc nhiên vì không biết tại sao một nhân vật…tầm thường của trường mình, người vẫn có tiếng là “gàn”, thậm chí còn bị cho là “khùng” như anh mà lại biết…làm thơ và lại còn…dám in thơ đem bán nữa. Vì tò mò, tôi đã lật xem thử vài bài trong tập thơ và không ngờ bị lôi cuốn ngay với “Bài thấm mệt đầu tiên”, “Nên sầu khổ dịu dàng”, “Linh mục”, “Nên thời gian ấy ngùi trông”… tôi đọc say sưa, đọc mãi cho đến bài cuối cùng “Thiên Thu”, và như người vừa nhận ra mình đang cầm một “báu vật” trên tay, không thể nào để mất, tôi mua ngay một quyển dù lúc đó giá tiền của tập thơ không phải là nhỏ đối với tuổi học trò lớp mười của tôi. Tôi đem về nhà đọc đi đọc lại mãi những bài thơ của anh, bắt đầu thán phục về “tài làm thơ”, về sự liên tưởng, lý luận để bày tỏ, diễn đạt tâm tình một cách thật đơn sơ, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc qua việc sử dụng từ ngữ mới lạ, độc đáo của anh. Những hình ảnh rất dung dị, bình thường của đời sống qua thơ anh bỗng trở thành đẹp đẽ, ý nghĩa hơn. Tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú với sự so sánh của anh trong “Bài thấm mệt đầu tiên”:




“Tình mới lớn phải không em rất thích?
Cách tập tành nào cũng thật dễ thương
Thuở đầu đời chú bé soi gương
Và mê mải dĩ nhiên làm lạ.
Tình mới lớn phải không em rất lạ?
Cách tập tành nào cũng ngượng như nhau
Thuở đầu đời chú bé ôm phao
Và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước.
Tình mới lớn phải không em rất mỏng?
Cách tập tành nào cũng dễ hư hao
Thuở đầu đời cầm đủa thấp cao
Và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ…”



Cũng nhớ, trong tập “Thiên Tai” anh viết chỉ có một câu thôi mà đã làm tôi sững sờ và có ấn tượng mạnh mẽ hơn về con người của anh là:
“Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết một quyển truyện dài, vì truyện dài không thể đọc vội vã. Người chắc cũng không đủ kiên nhẫn để yêu tôi vì tôi còn dễ chán hơn truyện dài. Tôi là một kịch bản trường thiên!”

Anh đã tự thu mình lại, khiêm nhường đi, chọn cho mình con đường cam phận, chịu thua thiệt, hay dùng đó để xác định rõ về bản tính, về chủ năng của chính mình, một “thiên tài” không dễ ai hiểu biết và cảm thông?

Từ đó, anh được tôi xem như là một nhà thơ trong danh sách “thần tượng” của thơ với ngôn ngữ mới lạ. Sau, nhờ chị Duyên, nhân vật trong bài thơ “ Khúc tình buồn”, được Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát “Thà như giọt mưa”, tôi lại có cái “duyên văn nghệ” được anh cho mượn phụ bản “Duyên” trong tập thơ “Thiên Tai” để làm bìa tập thơ “Tuyên ngôn 15”cho chính tôi và Ngọc Yến, một cô bạn cùng lớp. Thủy bị tôi rủ đi theo gặp anh mấy lần để lấy và trả tập bản kẻm, thì lại mắc vào một cái duyên khác “duyên nợ ba sinh” với anh sau này. Thật tình, lúc đó anh làm tôi rất cảm động vì thấy “nhà thơ lớn” mà sao lại dễ dãi với “đàn em nhỏ” như tôi mượn gì là được nấy. (Chắc tại nghe tôi khoe là “em nuôi” của chị Duyên?). Về sau, tôi còn…khám phá ra do gia đình có quan hệ dây mơ rể má thế nào đó, mẹ của anh gọi ba tôi bằng cậu, tức là tôi tới vai “dì” của anh Nhiên lận. Chao ôi, thật là oai ghê!

Nhưng thú thật, anh có một cái tật mà tôi rất…kỵ là mỗi khi lỡ nói gì trái ý là anh chau mày, bậm môi, đôi mắt cúi gầm xuống, hai bàn tay chập vào nhau chống trước trán, lầm lì không nói gì hết cho đến lúc…bỏ đi. Có lúc tức quá, tôi bảo Thủy: “Ông này cứ làm như đang đóng kịch vậy đó mầy ơi!...thấy ghét!”. Thủy rất hiền, nhút nhát, ít nói, nên cô nàng chỉ cười lặng lẽ, không ý kiến. Cũng vì tính tình như vậy nên thư tình, quà cáp gì của anh Nhiên gửi cho Thủy sau này cũng một tay tôi chuyển giúp. Cứ tan trường, hai đứa đi bộ về nhà chỉ cần nhác thấy bóng chiếc Honda của anh Nhiên sắp lạng tới là Thủy đẩy tôi ra phía ngoài để nó đi bên trong, tránh nói chuyện hay nhận thư, quà từ anh. Vừa sợ vừa muốn cho xong, nên tôi cứ nhận đại rồi đưa qua cho Thủy ngay sau khi anh đã phóng xe đi mất. Thủy vừa nhận vừa phản đối nên tôi cũng không biết rõ cô nàng có…chịu chàng hay là không. Nhưng tôi thì thấy vui lắm vì nghĩ rằng mình đang làm chứng nhân cho một mối tình cũng lãng mạng quá đấy chứ. Cũng nhờ vậy mà có lần tôi được “ăn theo” với Thủy, lần đó, anh Nhiên rà xe cạnh tôi dúi nhanh một cái bọc và nói trước khi phóng xe đi: “Thuốc…bổ óc đó, một cho Dung, một cho Thủy, ráng uống để mà thức học bài thi”. Tôi đưa cho Thủy bọc thuốc, cảm động một chút, vui vui một chút, coi vậy mà anh chàng cũng…biết điệu quá đó chứ! Lúc ấy, anh Nhiên đã bắt đầu thân thiết với tôi, thỉnh thoảng cứ chạy xe đến nhà tôi đưa thư, kể lể mọi chuyện…Có một hôm, đang ngồi trong nhà tự dưng thấy anh chạy xe đạp xồng xộc tới, vừa dựng xe, vừa thở hào hển kể cho tôi nghe chuyện “gây gổ” giữa anh với anh T., em của chị Duyên, mới vừa xảy ra ở quán cà phê gần nhà tôi. Câu chuyện bắt đầu từ bài viết “Hột mè” của anh đăng trên báo Văn thì phải? Anh nói: “Thằng T. nói anh viết bài này “chửi” chị nó độc quá, nên nó tức đòi đánh anh…”. Tôi có đọc qua bài đó nên cười an ủi: “Anh viết cũng nặng tay lắm chứ bộ. Anh T. tức là đúng rồi. Thôi ai biểu viết mà chọc giận người ta làm chi. Chửi người khác mà anh vui sao?” Trước khi ra về anh còn nói như thật: “Lần sau, anh không có nhịn đâu.”. Tôi cười vì biết tính anh nói thì…dữ nhưng chẳng làm gì hại ai cả. Chắc cũng vì chuyện này mà thời gian sau anh đã viết “Bài tạ lỗi cùng người” có những câu thật cảm động:


“Năm năm trời… ta làm tên quái đản
Cầu danh trên nước mắt người tình
Năm năm trời có nhục có vinh
Có chua, chát, ngọt, bùi, cay, đắng…
Có hai mái đầu chia nhau thù oán
Có thằng ta trút nạn xuống vai em!
Năm năm trời …có một tên Duyên
Ta ca tụng rồi chính ta bôi lọ
Tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ
Nên lỗi lầm đã đục màu sông
Nếu em còn thương mến tuổi mười lăm
Xin nuốt hận mĩm môi cười xí xóa
Hồn ta đẹp nhưng đời ta thảm quá
Nên tị hiềm nhen nhúm giữa ngây thơ
Nếu em còn chút đỉnh mộng mơ
Xin rộng lượng thứ dung người lỡ dại.”


Tôi dạo ấy cũng…hơi lo dùm cho Thủy, Thủy học rất giỏi, giỏi nhất trường, xinh xắn, tài năng toàn diện, ai cũng quí mến, còn cái ông nhà thơ này sao ngày nào cũng đón đường, tỏ tình, tỏ ý với Thủy mà làm thơ thì cứ thấy ca tụng hết cô này đến cô khác. Vậy thì thương thiệt hay giả đây?
Cho nên, đến khi Thủy năn nỉ nhờ tôi mang trả lại hết quà cáp, thư từ cho anh Nhiên, tôi đã…ngây thơ thương bạn, nhận lời mà có biết đâu tự mình đi đón nhận phong ba bão tố. Sau khi biết tôi mang mọi thứ đi trả giùm cho Thủy, anh Nhiên đã mắng tôi và đổ thừa tại tôi…xúi Thủy tuyệt tình với anh. Tôi tức điên lên và cãi với anh một trận tơi bời hoa lá. Anh giận tôi đến độ còn dọa sẽ viết một bài…chửi tôi trên báo để cho tôi biết tay anh. (May là chắc anh nghĩ lại, thấy “tội” của tôi còn nhẹ hoặc biết là không có tội gì hết, nên không có bài nào nêu đích danh tôi để…trả thù, trừ một câu trong bài thơ “Kẻ tự đóng đinh tim” đã ví tôi là “quỷ sứ” mà sau này qua Thủy tôi mới biết. Đó là câu: “Lỡ yêu tín đồ phải chấp nhận gian truân. Phải muối mặt giao du cùng quỷ sứ” Chứ nếu không chắc tôi cũng đã được anh đưa vào…văn học sử bằng một ngỏ…tối tăm rồi!). Từ đó, tôi với anh Nhiên bắt đầu một mối thù…không tên, và cứ mỗi khi Thủy nhắc tới anh Nhiên là tôi tha hồ mà…đay nghiến. Lúc này, tôi đã thực sự giận ghét anh Nhiên và muốn cho Thủy đừng thèm “mềm lòng” với cái anh chàng nghệ sĩ tài hoa mà gàn dở này nữa.
Nhưng khi đọc bài thơ“Thục Nữ”, là bài đầu tiên anh Nhiên viết cho Thủy, với hình ảnh Thủy trong thơ và Thủy ngoài đời là một, rất thật, rất dễ nhận ra với tóc bính, nón lá, hài nhung, mảnh mai, nhẹ nhàng, vô cùng thục nữ đã làm tôi xúc động:
 

“Chiều em đi hai hàng bính tóc
Gieo xuống đôi vai nhỏ thiệt thà
Còn bao nhiêu dấu hài khuê các
Sao đành gieo xuống phố đời ta?
Chiều em đi nón lá che nghiêng
Sao đành che mất nụ cười duyên?
Mây vẫn chưa về gom bớt nắng
Trần ai đông lắm kẻ si tình.
Chiều em đi trong nắng trời tây
Bóng đổ lênh đênh – bóng đổ gầy
Bóng đổ gầy như ta ốm yếu
Đeo đẳng hoài theo tình không may
Chiều em đi bước ngại bước ngùng
Như sợ làm đau ngọn cỏ nhung
Như sợ bay lên từng đóa bụi
Sao khách tài hoa nát cả lòng?
Chiều em vui quá thuở vàng son
Ta bỗng lang thang khắp ngả đường
Ta đi cho chết thời oanh liệt
Cho thấu một trời đau đớn riêng!”



Bài “Giữa trần gian tuyệt vọng” là bài thứ hai anh đã viết gửi cho Thủy với những lời bày tỏ chân tình, nhưng đã khiến cho Thủy. giận hờn, ấm ức nhờ tôi mang trả lại thư từ, quà tặng của anh và đã là nguyên nhân khiến tôi phải …rước họa vào thân. Đó là những câu:


“Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta vẫn thèm hôn lên mắt tiểu thơ buồn
Ta vẫn thèm ăn năn những lúc đón đường
(Em khó chịu… mà thư nào em cũng nhận)


Sau khi biết vì mình mà tôi và anh Nhiên đã không thèm nhìn mặt nhau nữa, thì Thủy ít nhắc nhở tới anh hơn và lặng thinh mỗi lần nghe tôi kể tội anh đã mắng nhiếc, sỉ vã tôi như thế nào. Anh Nhiên thì phải tự động tìm cách để…nối nhịp cầu tri âm với Thủy một mình vì không còn cái nhịp cầu mang tên…Dung nữa.

Mãi cho đến một buổi chiều kia, tan học về, Thủy báo cho tôi biết: “ Ông Hải (tôi và Thủy vẫn quen gọi anh bằng tên thật là Hải, dù anh đã nổi tiếng và mọi người luôn gọi anh bằng tên Nguyễn Tất Nhiên) nói chiều thứ Sáu hàng tuần có chương trình giới thiệu nhạc mới ở radio, thứ Sáu này nhớ đón nghe vì sẽ có bài thơ “Hai năm tình lận đận” ổng làm cho tao được Phạm Duy phổ nhạc, hát lần đầu.” Tôi nhìn Thủy ngạc nhiên, thầm nghỉ: “Ông này coi vậy mà cũng…khôn, biết cách giải mả “độc đáo” thiệt, như thế này thì Thủy có…chạy đàng trời.” Tôi tuy còn ấm ức vì…mối hận lòng, “oan âm Thị Kính” vẫn còn đầy ứ mỗi khi nhớ tới, nhưng cũng thấy vui và hãnh diện lây với bạn. “À há, như vậy mi đã bắt đầu được đi vào văn học sử rồi đó nha”. Cũng nhờ vậy, chiều thứ Sáu đó, tôi đã được thưởng thức trọn vẹn bài hát “Hai năm tình lận đận” với âm điệu nhẹ nhàng, buồn rầu đến tội nghiệp qua tiếng hát dễ thương, nồng nàn của Duy Quang:
 

“Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Mùa đông hai đứa lạnh
Cùng thở dài như nhau.
Em không còn thắt bính
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn lýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư
Hai năm tình lận đận
Hai đứa đành xa nhau
Em vẫn còn mắt liếc
Anh vẫn còn nôn nao
Ngoài đường em bước chậm
Trong quán chiều anh ngóng cổ cao.
Em bây giờ có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ
Xin làm người tình thua.
…………………………
Hai năm tình lận đận
Em đã già hơn xưa!”


 Tôi đã bật cười khi nghe Thủy kể lại, hai câu cuối của bài thơ này đã làm…động lòng Lâm Diễm, một đứa bạn cùng lớp với chúng tôi, khi nó đọc thấy bài thơ đăng trên báo trước khi được phổ nhạc. Diễm vào lớp báo ngay với Thủy: “Thủy ơi, ông Hải làm thơ chê mày… già”.
Sau khi nghe bài hát này tôi thầm nghĩ, Thủy đã không thể thoát khỏi lưới tình nữa rồi. Thủy vốn yêu thích thơ văn, cũng như tôi và số đông bạn bè cùng lứa lúc ấy, rất hâm mộ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Thủy đã được làm “nàng thơ” của thi sĩ, nay lại được dòng nhạc của Phạm Duy đưa hình ảnh “thắt bính” của mình chắp cánh bay xa. Còn gì hơn! Nhưng chúng tôi không có thời giờ để hỏi han những chuyện vớ vẫn nào khác nữa. Tất cả thời gian còn lại là học thi, thi Tú Tài II. Tôi quên bẳng đi chuyện tình của anh Nhiên và Thủy để lo học.
Rồi đến lúc lên Sài gòn vào đại học, tôi và Thủy lại cùng ở trọ với nhau, chắc Thủy nghĩ là tôi còn giận anh Nhiên lắm, vì mỗi lần Thủy nhắc tới anh là cứ nghe tôi châm chọc: “ông ấy là ai? tưởng mình là nhà thơ lớn…ngon lắm hả?”. Không nhớ tôi có nói gì nặng hơn nữa không mà Thủy càng ngần ngại, dè dặt tránh nói về anh trước mặt tôi. Tôi học bên Văn Khoa, Thủy học ở Đại học Vạn Hạnh, bên kia cầu Trương Minh Giảng. Bởi thế, bài “Chở em đi học trường đêm” có đoạn:




“Chở em đi học mưa, chiều
Tóc hai đứa ủ đôi điều xót xa
Mưa thánh thót, mưa ngân nga
(hình như có bão băng qua thị thành)
……………………………………
Đèo nhau qua đoạn đời này
Cầu Trương Minh Giảng nghe đầy hoàng hôn...”




tôi cứ tưởng là viết cho Thủy, nhưng sau này khi hỏi lại, Thủy nói: “ổng viết cho…con nhỏ khác mày ơi!”. Tôi giật mình và cảm thấy bất mãn vì nghĩ rằng các ông văn thi sĩ chắc không chỉ có bốn ngăn tim, nên mới có thể chứa đựng được một lúc nhiều hình bóng đến như vậy! Bài thơ “Khởi tự mê cuồng” anh viết năm 74, mới là bài anh viết cho Thủy, nên vẫn thấy bóng dáng Thủy đâu đó, mặc dù lúc này Thủy và anh đã không còn liên lạc với nhau.
 

“Trời mưa, không lớn lắm
nhưng đủ ướt đôi đầu!
Tình yêu, không đáng lắm
nhưng đủ làm… tiêu nhau!
Đường người, vui có chăng
ta trùng điệp u buồn
nhớ ai mà tóc rụng
ngóng ai muốn đục tròng.
…………………………
Đường người, đau có chăng
em tính còn ham chơi
lưng ngoan dòng tóc bính
môi trinh non thích cười
Chiều chiều hay giỡn nắng
tình trôi kệ tình trôi…”
   
Sau 30 tháng 4 năm 75, chúng tôi chia tay nhau, Thủy tiếp tục học và về làm việc ở Biên Hòa. Tôi thì lưu lạc đến Long Thành làm nghề “gõ đầu trẻ”. Công việc bận rộn nên chúng tôi cũng liên lạc ít hơn. Thủy và tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong những ngày cuối tuần khi tôi trở về nhà.
Tôi không biết rõ mối quan hệ của anh và Thủy bắt đầu lại từ lúc nào, mãi cho đến khoảng giữa năm 78, một hôm, Thủy đột ngột đến tìm tôi vào buổi trưa, chúng tôi kéo nhau lên lầu nói chuyện. Thủy ngần ngại, rào đón một lúc lâu mới báo tin là sắp đám hỏi với anh Nhiên. Thấy tôi lặng thinh, Thủy hỏi: “Mày bất ngờ không?...thất vọng không?”. Tôi biết Thủy vẫn còn nhớ “mối thù” của tôi với anh Nhiên lúc trước, nên cười và lắc đầu: “Chuyện cũ, chuyện nít nhỏ, tao quên rồi. Đừng nhắc tới nữa. Vậy là “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” rồi. Mày có cần gì tới tao không?” Thủy thở phào nhẹ nhỏm: “Có chứ, mời mày tới dự đám hỏi, nhớ tới sớm sớm để phụ tao nha nhỏ.” Không hiểu sao lúc đó, tôi vừa mừng lại vừa lo cho Thủy, Thủy dịu dàng, yếu đuối và sống “kín cổng cao tường” trong mái ấm của đại gia đình từ bé, còn anh Nhiên, đời sống luôn quay quắt với dư luận khắc nghiệt và lang bạt kỳ hồ, như trong thơ anh vẫn thường khẳng định: “ Em có một đời rong xanh mơ đá. Tôi có ngàn năm say khước hận thù”(Bài thấm mệt đầu tiên) hay “Chim trong tổ biết chi đời giông bão. Em con cưng nào biết tuổi lưu đày” và “Em gia giáo phải lòng anh lang bạt” (trích Uyên Ương). Liệu Thủy sẽ được bình yên, hạnh phúc hay sẽ lao đao với sóng gió cuộc đời?
Thời gian này, bài “Nụ hôn đầu” với những câu:




“Gian truân lắm mới hôn người
Chiếc hôn tình lớn đem đời theo nhau.
………………………………
Hôn em chấn động đầu đời.
Chiếc hôn tình lớn kiếp người đôi giây.”

 

và “Cuối tháng Tám”, không hiểu đã cảm nhận được điều gì mà cả hai bài thơ của anh viết cho Thủy đầy những lời ăn năn, thống hối:
  
“Khổ đau oằn nặng sinh thời
yêu ai tôi chỉ có lời thở than,
có môi hôn trộm vội vàng
khiến em hoảng hốt trong cơn tình đầu
nụ cười giữ được bao lâu
nhân sinh là một dòng sầu miên man
sông dài rồi cũng chia phân
tình bao nhiêu lớn cũng tàn phai thôi
Tôi đam mê siết thân người
hay đâu tảng đá đeo đời trăm năm.
Em gầy guộc, em mong manh
Em chưa đủ sức long đong cùng chàng
Em ngây thơ đến rỡ ràng
Em chưa đủ lượng khoan hồng thứ dung
Em tội nghiệp, em tủi thân
Em chưa tự chủ kíp nhăn lệ tràn
Lôi người té sấp gian nan
Lỗi tôi, ừ đó, muôn phần lỗi tôi.”
 

Đến ngày đám hỏi của Thủy và anh Nhiên, tôi mới biết chỉ có tôi là đứa bạn duy nhất được Thủy mời trong đám đông của gia đình hai họ.
Lần gặp lại đầu tiên sau mấy năm không nhìn mặt nhau ở đám hỏi, được coi như là một nhịp cầu nối lại mối quan hệ giữa tôi và anh Nhiên. Anh tỏ vẻ quí mến tôi hơn và thỉnh thoảng hay ghé nhà tôi để hỏi thăm hoặc nhắn tin cho Thủy
Có một chuyện khiến tôi cảm động và nhớ mãi là một buổi trưa vừa từ trường về nhà trọ sau mấy giờ dạy, thay chiếc áo dài xong thì nghe tiếng gõ cửa và sau đó là giọng của Thảo, chị bạn cùng nhà gọi : “Dung ơi, có ai kiếm kìa.”. Nhà chúng tôi ở là một căn biệt thự khá lớn của một chị bạn dạy cùng trường, mấy ngày trước 30 tháng 4, chợ Long Thành bị pháo kích, sập gần hết, nhà chị cạnh đó nên cũng bị một quả ngay vào giữa, căn nhà như bị cắt ra làm đôi. Phần phía trước chỉ còn cái mặt tiền và khung cửa sắt là nguyên vẹn, hai phòng phía sau, sâu vào trong, nơi không bị hề hấn gì, là nơi mà nhóm giáo viên chúng tôi chia nhau ở, được nối bằng một khoảnh đất nhỏ mà trước đó dùng để trồng hoa kiểng và một cánh cửa lớn bằng gỗ. Tôi vội chạy lên và ngạc nhiên khi thấy anh Nhiên đứng sừng sững ngay khung cửa với chiếc xe đạp bên cạnh. Anh nhìn tôi đang ngó anh trân trối, nhe răng cười hỏi: “Sao? không mời vô à?” Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất ngờ của anh. “Ủa, anh đi đâu đây? Sao biết Dung ở chỗ này?” Anh dựng xe sang bên, một tay giở nón, một tay lau mồ hôi trán và nói: “Nghe Thủy nói Dung dạy học ở trường Long Thành, nhà anh có rẫy cũng gần đây, sẵn đi ngang ghé vô trường hỏi, họ nói Dung mới đi về, rồi chỉ nhà cho anh đó chứ.” Tôi mời anh vô trong uống nước và giới thiệu với chị Thảo: “Anh này là thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đó!”. Chị Thảo tròn xoe mắt nhìn anh: “Vậy hả? Trời ơi, nghe tiếng quá chừng mà bây giờ mới gặp đó nha.”. Anh Nhiên chỉ cười và không nói năng gì. Hỏi thăm nhau được một chút, anh từ giã ra về còn hỏi tôi: “Dung có cần nhắn gì về nhà không? anh ghé qua nhắn cho”. Bỗng dưng tôi nhớ tới chục ký gạo vừa đươc lãnh sáng nay ở trường theo tiêu chuẫn công nhân viên nhà nước, và tôi đã làm một việc vô cùng tệ hại mà sau này lúc kể cho Thủy nghe hoặc nhớ tới, tôi vẫn còn áy náy và rất xấu hổ là : “Anh Hải chở dùm bao gạo này ghé qua nhà đưa cho má Dung được hông?”. Tôi thấy đôi mày anh cau lại, trán nhăn nhăn, môi mím chặt, nhưng cũng gật đầu: “Ừ, thì để anh chở cho”. Tôi giúp anh khuân bọc gạo lên để phía sau “bọoc ba ga”, cột giây cẩn thận, cám ơn anh, chào tạm biệt và… tỉnh bơ, mãi cho đến khi đưa anh ra tới cửa ngoài thấy anh bắt đầu gò lưng trên chiếc xe đạp tôi mới giật mình. Tiếng chị Thảo phía sau tôi vang lên: “Trời ơi, mày ác quá trời đi người ta tới thăm mà còn bắt chở bao gạo về dùm nữa, nặng lắm đó, một chút lên tới dốc 47 làm sao ổng lên nỗi.!” (Dốc 47 là cái dốc rất cao ở gần ngã ba Thái Lan giữa đường đi Biên Hòa và Long Thành). Tôi mới bắt đầu hối hận và thấy mình…vô duyên quá đỗi!
Cứ tưởng mọi việc sẽ được tiến hành êm đẹp như đã định, Thủy và anh Nhiên sẽ làm đám cưới cuối năm đó. Nhưng không ngờ, bao ngang trái cuộc đời không hẹn mà cứ đến đe dọa cho mối tình của hai người, lý do từ việc có nhiều dư luận về anh Nhiên đã đến tai gia đình Thủy. Lúc này, tôi đã đổi về Biên Hòa để đi học lại, nên Thủy thường gặp tôi sau những giờ làm việc, tâm sự, thở than về những ngăn cấm của gia đình và đôi khi nhờ tôi làm “bình phong” để Thủy và anh Nhiên hẹn hò nhau.
Bài “1978 ở Việt Nam” chắc anh đã viết trong lúc tâm trạng u uất, chán chường về sự đổi thay của xã hội lẫn hoàn cảnh riêng tư của chính mình:
 


 

“Phu thê nếu phải nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngõ lời yêu em
Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra
Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương.
…………………………………
Phu thê nếu đã buộc ràng
Thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng
Tôi, quanh năm sống hoang đàng
Cũng xin nhỏ lệ hoàn lương khóc tình!
Rồi đến bài thơ “Uyên Ương” với những câu thật não lòng:
“Có những chiều ta muốn hôn em, rồi khóc
Mùa bình an nào chờ đợi uyên ương?
Nhớ hôm xưa em mảnh khảnh tan trường
Hương trinh khiết ngây ngây chiều nắng lụa.
………………………………..
Nhớ hôm xưa em bình minh thiếu nữ
Môi vô tư chưa bợn nhuốm hơi người
Tay
măng tơ chưa vọc nước dòng đời
Tóc bính thảnh thơi chưa phiền khói thuốc
Ta lẽo đẽo theo tình ê ẩm bước
Để chiều về nhẹ thấm thía gian nan!
Nhớ hôm xưa em mơ mộng nhẹ nhàng
Hay hát khẻ đôi bài tình man mác.
Chim trong tổ biết chi đời giông bão
Em con cưng nào biết buổi lưu đày…”
 




Nhưng rốt cuộc, Thủy đã quyết định cùng với gia đình anh Nhiên rời khỏi Việt Nam cuối năm 78, sau những tháng ngày dài nỗi trôi cùng vận nước và cả vận mệnh của chính mình. Một năm sau, tôi mới nhận được lá thư đầu tiên có kèm theo hai tấm hình của Thủy và anh Nhiên chụp ở vườn Luxembourg trong mùa thu, đầy lá vàng, lãng mạn, tuyệt đẹp, mới biết là hai người đã định cư ở Pháp. Nhờ địa chỉ đó nên tháng tư năm 81, sang đến đảo Ga Lăng, Indo, tôi đã liên lạc được với Thủy. Không ngờ, Thủy vẫn nhớ và gửi quyển “ Thơ Nguyễn Tất Nhiên” gồm những bài từ tập “Thiên Tai” và những bài thơ sáng tác từ 1970 đến 1980, đã được ấn hành lại ở Pháp, làm quà sinh nhật cho tôi trên đảo. Tập thơ này quả là một món quà vô cùng quí báu lúc bấy giờ đối với bọn chúng tôi gồm một đám thanh niên cùng mê thơ Nguyễn Tất Nhiên, cả mấy tháng trời, đêm nào cũng mang ra vừa đọc vừa bàn luận, thật sôi nổi, hào hứng.
Đến tháng mười, tôi được các em bảo lãnh sang Mỹ, về ở Missouri. Anh Nhiên và Thủy cũng đã dọn về Cali từ tháng tư.
Chúng tôi thư từ, điện thoại thăm hỏi nhau nhưng vẫn chưa gặp mặt, Thủy và tôi cùng bận rộn với đời sống mới mà lại ở xa nhau, nên ngay cả đám cưới tôi tổ chức ở Utah, Thủy cũng không có dịp sang dự. Cho mãi đến hôm tôi sinh cô con gái đầu lòng khoảng một tuần, thì Thủy gọi phone báo tin là sẽ đi xe bus Greyhound sang thăm tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại bạn sau 6 năm xa cách. Thủy không thay đổi tí nào, vẫn dáng dấp học trò, vẫn gầy gầy, nhỏ nhắn, gương mặt, nụ cười vẫn hệt như thời còn đi học, mặc dù bây giờ đã có thêm hai chú nhóc, Tí Anh đã ba tuổi và Tí Em sắp lên hai, lúc nào cũng quấn bên chân mẹ. Trong dịp này, Thủy đã kể cho tôi nghe hết về cuộc sống từ ngày rời VN, với những ngày đầu vất vả nhưng hạnh phúc ở Pháp, đến những khi sóng gió vì đời sống nghệ sĩ lang bạt, bất đắc chí của anh Nhiên ở Mỹ, cả đến những cay đắng mà Thủy phải chịu đựng để chu toàn cái hình ảnh của “một người vợ, một người đàn bà thuần túy Á Đông, chỉ biết phục tùng chồng và tuyệt đối không nên để ý hoặc thắc mắc gì về những quan hệ công việc bên ngoài của chồng.” mà anh Nhiên vẫn luôn nhắc nhở Thủy mỗi khi có chuyện bất đồng. Tôi ngạc nhiên và không ngờ đứa bạn với bề ngoài yếu đuối như Thủy mà có thể chịu đựng được ngần ấy thứ đau khổ, trắc trở trong cuộc đời làm vợ của nhà thơ. Thủy nói lần này, sau khi trở về, hai người sẽ quyết định chia tay. Thoạt tiên, tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng sau đó, khi nhìn thấy hai đứa bé đang hồn nhiên, quấn quýt bên Thủy, tôi giận anh Nhiên quá sức, tại sao có mái gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc thế này mà anh không chịu gìn giữ? Tôi muốn an ủi Thủy, nhưng an ủi thế nào khi tôi cũng không biết phải xử trí làm sao trong hoàn cảnh ấy. Thủy định là sẽ ở chơi với tôi đến hai tuần nhưng chỉ một tuần Thủy đã đổi vé về lại Cali, sau những cú phone dồn dập của anh Nhiên. Mấy hôm sau, Thủy gọi để báo tin là sóng gió đã tạm dừng, dù không biết là chàng sẽ giữ lời hứa đến bao lâu. Tôi mừng cho Thủy và thầm cầu nguyện cho cái tổ ấm của Thủy sẽ bình yên, sáng sủa hơn sau cơn bão tố vừa qua.
Năm 86, gia đình tôi dọn về Cali, căn nhà nhỏ của chúng tôi ở Gardena, thỉnh thoảng đón tiếp Thủy và hai cậu con trai đến chơi, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy anh Nhiên đi cùng. Thủy tâm sự: “Tao chỉ là một người đàn bà bình thường, mơ có một mái ấm gia đình rất bình thường như những người đàn bà khác, nhưng với tao sao nó khó khăn, xa vời quá mày ơi!”. Nghe Thủy nói, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của cái thuyết “Hồng nhan bạc phận”, của “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, càng thấy xót xa và thương bạn hơn. Có lúc, tôi đã phải nói với Thủy: “Tao thì chỉ biết “yêu thơ” thôi chứ không có “can đảm” để “yêu nhà thơ” như mày, sao mà khổ quá đi!”
Từ lúc sang Mỹ dù đã xuất bản được tập thơ “Chuông mơ” (1987), “Tâm Dung” (1989) và cả việc sáng tác nhạc để ra đời băng nhạc “Tình khúc Nguyễn Tất Nhiên” nữa, nhưng anh vẫn là một người “bất đắc chí”, cay đắng với cuộc đời, hờ hững với trách nhiệm gia đình và đó có phải là nguyên nhân khiến anh trở thành một con người khác, một hình ảnh bất toàn hơn trong đời sống gia đình chăng?
Có lẽ vì biết quá nhiều về những bất hạnh từ đầu của hai chữ “nợ duyên” giữa anh Nhiên và Thủy, nên tôi đã đứng về phía bạn khi Thủy dứt khoát đoạn tuyệt với những khổ đau, oan nghiệt của quá khứ, hiện tại và có thể sẽ mãi còn tiếp diễn ở tương lai để chọn một cuộc sống bình an hơn cho Thủy và nhất là hai đứa con, nên tôi đã lặng thinh khi anh Nhiên gọi tôi để hỏi về tung tích của Thủy. Và đó là lần thứ hai, tôi lại bị anh mắng nhiếc thậm tệ, bằng những lời nhắn nặng nề trên máy answering. Lúc đó, tôi nghĩ, cứ để cho anh nghiền ngẫm, rồi tỉnh thức, nhận ra và biết quí báu những gì mình đã có, ân cần với đời sống và trách nhiệm hơn để có thể định hướng lại tương lai của mình. Nhưng không ngờ, anh đã quá yếu đuối và dễ tuyệt vọng đến độ phải chọn sự kết thúc bi thảm đến vậy! Lúc nghe tin anh mất, là lúc tôi đang trong giờ lunch ở một hãng điện tử. Sửng sốt, kinh ngạc… tôi nuốt không trôi miếng cơm còn đang nhai dở trong miệng. Tôi muốn về nhà ngay để gọi cho Thủy…
Thời gian qua nhanh như cơn gió thoảng, mới đó mà đã mười mấy năm. Cuộc sống vẫn nối tiếp với những định mệnh đã được an bày. Các con anh nay đã khôn lớn, trưởng thành. Thủy đã tìm được bờ bến bình yên và đang có một đời sống hôn nhân hạnh phúc, điều mà trước kia tưởng chừng sẽ không bao giờ có được.
Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi. Có những điều khi còn sống chúng ta chưa có dịp phân trần, tỏ bày cho hết thì đến lúc lìa đời, cũng xin được có cơ hội để hòa giải, thứ tha. Chỉ tiếc một điều là những câu thơ anh viết lúc còn trẻ, khi đọc lên cứ tưởng sẽ là “lá bùa hộ mạng” cho anh, đã không nâng đỡ, vực dậy anh trước khi anh quyết định đi về một đời sống khác:
 




“Nếu vì em mà thiên tài chán sống
thì cũng vì em ta ngại bước xa đời”.



nguồn ticon