Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ NHÀ THƠ LINH PHƯƠNG


 ( Nhà thơ Linh Phương 1972 )


Bài của Mũ Xanh Hoài Anh

Tôi và Linh Phương học chung lớp đệ tam C trường Trung học Bồ Đề Sài Gòn. Ông và Lâm Quốc Trung chủ trương Văn nghệ Hoa Đông Phương, sau đó Lâm Quốc Trung tách ra thành lập Tinh Việt Văn đoàn. Trong thời gian này, ông ấn hành đặc san Hoa Đông Phương với hình thức quay Ronéo  và tờ bích báo Động Đất. Tờ Động Đất không qua sự kiềm duyệt của giáo sư Xuân Sơn  ( Trưởng ban báo chí của trường ) nên thường là ông đi học rất sớm để lén dán tờ bích báo lên tấm bảng dành riêng cho các tờ bích báo của các lớp trong trường. Tờ bích báo Động Đất có những bài chỉ trích thầy Tổng giám thị Thượng tọa Thích Thái Dương, chỉ trích giáo sư Xuân Sơn khi phê bình tập thơ “ Nắng Đêm “ của thi sĩ giáo sư.
Sang năm đệ nhị, Linh Phương chuyển qua học tại trường Trung học Trường Sơn đường Lê Văn Duyệt Sài Gòn. Còn Lâm Quốc Trung vừa vẽ tranh, vừa viết tiểu thuyết với tên Trúc Quân  cho ông Minh Nhân xuất bản và phát hành, vừa tiếp tục việc học. Sau đó, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên cho ông Minh Nhân thuê manchette làm tờ tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh. Nhà văn Trúc Quân cùng Linh Phương lèo lái tờ tuần san, Trúc Quân làm chủ bút, nhà thơ Linh Phương làm Thư ký tòa soạn.Trên tờ tuần báo, có hai truyện dài đăng từng kỳ của Linh Phương là “ Vòng Tay Nước Mắt “ ký tên Linh Phương; “ Mười Tám Tuổi Buồn “ ký tên Đoan Hà.
Như trong” Hồi Ký Linh Phương “ của ông có viết về Lâm Thị Việt Nữ tức nhà thơ Thương Mặc Uyên trong nhóm Cung Thương Miền Nam. Thương Mặc Uyên là một cô bé xinh đẹp, dáng dấp nhỏ thó mà theo tôi được biết , mỗi lần đến tòa soạn báo , Thương Mặc Uyên hay mặc áo dài trắng. đỏng đảnh như một tiểu thư.Giữa hai người, tôi không biết sự liên hệ của họ như thế nào, chỉ biết họ rất thân thiết từ lúc đến nhà thi sĩ Nguyễn Lệ Tuân chơi, tôi nhớ không lầm là ở đường Nguyễn Duy Dương- Bà Hạt...
Bẵng đi một thời gian khá lâu, sau trận Tổng công kích Mậu Thân đợt hai, tiểu đoàn 6 Thần Ưng Cảm Tử TQLC do Trung Tá Nguyễn Thế Lương làm Tiểu đoàn trưởng -đóng dài theo cầu Bình Lợi, tôi lại gặp ông. Thế là, tôi và ông cùng chung một tiểu đoàn-ông ở đại đội 4 của Đại úy Lê Văn Cưu, tôi ở đại đội 1.Rồi tiểu đoàn chuyển quân về cầu Sài Gòn, sau đó tiếp tục xuôi quân xuống Chương Thiện, trực thăng vận đổ quân qua Rạch Giá. Tiểu đoàn hành quân ban đêm, trời mưa rì rả , chúng tôi lội qua những con kênh, những cánh đồng nước ngang ngực như thế cho đến tờ mờ sáng hôm sau vừa tới Cầu Trắng - Cần Thơ.Trong chuyến hành quân này, có một nữ phóng viên chiến trường người Pháp đi theo. Nghe anh em kể lại, cô phóng viên ngủ chung nhà với ông. Cô nằm trên chõng tre, còn ông nằm võng cột xéo góc nhà. Nữa đêm không hiểu vì sao chiếc chõng tre bị sập, anh em được một trận cười vô tiền khoáng hậu.

Thi sĩ Linh Phương còn nhiều mối tình mà hình như trong Hồi Ký ông chưa đề cập đến.- đó là mối tình với Vương Thái Khanh. Vương Thái Khanh tức Huỳnh Thanh Tú , cô giáo dạy học ở Long Khánh. Mà tập thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ông viết cho cô giáo Tú trong bài “ Lời Một Người Ở Rừng Lá Khô Gửi Về Loài Chim Vương Thái Khanh “ nguyên văn như sau :

Anh ví tình yêu như những viên đạn đồng
Viên đạn cho em
Viên đạn cho bạn bè
Viên đạn cho anh
Viên đạn cuối cùng
Và nếu mai này
Ở rừng lá khô đại bàng gẫy cánh
Dấu ngựa hồng gục chết trên quê hương
Thì viên đạn nào cưu mang
Viên đạn nào chia xa hai đứa
Viên đạn nào ngọt bùi hương lửa
Viên đạn nào mật đắng cay nồng
Thôi đừng thương anh nữa
Quên nhau em lấy chồng
Nghe loài chim thành phố mang huyền thoại Vương Thái Khanh
Và nếu mai này
Ở rừng lá khô
Tình cờ viên đạn xuyên phá lồng ngực
Cho máu đỏ hiền hòa thấm mạch đất chứa lưu lượng phù sa
Em hãy cúi đầu
Nhưng đừng bao giờ khóc cho người yêu
Vừa nằm xuống
Ôi ! Anh suốt đời thương em
Suốt đời say mê loài chim thần thánh chở sa mù về nuôi lớn tình yêu
Ôi ! Suốt đời lo sợ
Suốt đời kinh hoàng viên đạn đồng cách ngăn người ở rừng lá khô và loài chim cánh trắng
Xin một lần anh hoài hoài ăn năn
nụ hôn đầu trên má
nụ hôn thứ nhì trên môi
nụ hôn thứ ba tội lỗi
Nụ hôn thứ tư thay ngôn ngữ đầu đời
Thôi ! Đừng thương anh nữa
Dù những ngày xa em là những ngày nhớ em
Ôi ! Trái tim muộn phiền
Anh suốt đời tội nghiệp
Như lời một người ở rừng lá khô gửi về cho loài chim thành phố mang huyền thoại Vương Thái Khanh
Anh xin một lần cầu nguyện

Một mối tình nữa, một người con gái làm ở một cơ quan viện trợ của Mỹ, đã cung cấp giấy cho ông in tập thơ Kỷ Vật Cho Em. Có thể ông chưa viết đến những mối tình sau này, vì Hồi Ký của ông vẫn còn tiếp tục.Người con gái này tên là Trương Ngọc Sương nhà ở Cư Xá Đô Thành.Trong hai người con gái , tôi chỉ biết mặt Ngọc Sương lần tình cờ gặp ông và giai nhân trên đường Phạm Ngũ Lão. Ông mặc quân phục TQLC, còn giai nhân mặc chiếc áo dài màu thiên thanh.Dáng Ngọc Sương cao, gầy-cô có mái tóc dài chấm lưng thật đẹp, ông thường gọi là Trương tiểu thư trong những bài thơ đăng trên nhật báo “ Báo Đen “ do thi sĩ Nguyên Sa phụ trách mục thơ. Ông cũng ví Ngọc Sương chẳng khác Joséphine trong những bài thơ đăng ở nhật báo với những bút danh : Đoàn Đình Tây Phố-Phạm Nguyễn Hà Đông…
Khi ông kết hôn cùng Trần Uyên Trâm, em gái út của Trung Tá Tiềm -phòng 3 Bộ TTM ( Trung tá Tiềm cùng khóa với Trung tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh Vùng 1 chiến thuật- Tướng Bùi Thế Lân tư lệnh SĐ.TQLC ), tôi đang hành quân ở Bình Long. Chuẩn tướng Thọ đã chúc mừng ông -Trần Uyên Trâm chiếc bàn ủi hiệu Panasonic ( thời điểm bấy giờ rất quý ), đó là kỷ niệm tôi nghĩ ông hoặc Trần Uyên Trâm còn giữ, dù hai người đã chia tay mỗi người một cảnh đời.

 Một thời gian ông chuyển qua Tiều đoàn 33 – Liên đoàn 5 Biệt Động Quân hành quân tại Krek ( kampuchea ) như bài thơ “ Cú mèo kêu ở Krek 1972 “

Con đường đất đỏ xuyên biên giới
Xe đưa ta đến Krek buổi chiều
Nắng tàn - đêm tối - cú mèo kêu
Mang tin báo tử về hai phía

Cú mèo kêu. Ờ ! Đâu vô nghĩa
Giữa cuộc chơi người lớn dự phần
Trận so găng phải ngủm một thằng
Điều tất yếu không sao tránh khỏi

Đánh đấm- dĩ nhiên là man rợ
Thượng đài võ sĩ chẳng được lui
Giống như giác đấu thời trung cổ
Giết nhau sắc mặt vẫn tỉnh bơ

Con đường đất đỏ xuyên biên giới
Ngại gì đêm tiếng cú mèo kêu
Cắc bùm - ở Krek  ai cũng hiểu
Cứ nghe là phách lạc hồn xiêu

Đã đến nơi này. Thôi đành chịu
Mạng số ư ? Giao phứt ông trời
Nếu ta sống sót về thành phố
Sẽ quậy tưng bừng tới bến luôn

Năm 1973, tôi được biết ông còn một mối tình sâu đậm với một người con gái đài các tên Trần Thị Thu Hồng.Người con gái yêu nét ngang tàng, ngạo mạn của ông trong bộ quân phục rằn ri, và những bài thơ tình làm cho trái tim cô tiểu thư rung động không nguôi.Người con gái duy nhất mà ông cặm cụi viết những bài thơ tình của mình ở phòng chiến tranh chính trị ngày xưa.Mối tình của ông và Thu Hồng chịu nhiều trắc trở vì chiến tranh, vì gia đình phải lìa tan trong cuộc bể dâu. 
Sau 1975, tôi không còn biết tin tức của ông, nhưng bây giờ tôi được đọc Hồi Ký Linh Phương. Tôi hiểu ông vẫn còn sống, sống cho một tình yêu,dù cuộc đời ông chịu nhiều gian nan.Ông cũng đã gặp lại Thu Hồng sau mấy mươi năm xa cánh.Tôi cũng đọc trên những website, blog , báo chí hải ngoại viết về ông, những bài viết của nhiều người-nhưng chỉ đúng một phần nào đó tính xác thực. Phần nhiều họ thêu dệt, hoặc hư cấu vô tội vạ phần đời trải qua nhà thơ Linh Phương.
.
Với tôi, ông là một người phóng khoáng, sống bạt mạng, liều lĩnh-một Lục Vân Tiên thấy chuyện bất bình chẳng tha, như chuyện anh từng đánh nhau với một lính Mỹ càn quấy tại Sài Gòn-mệnh danh Hòn Ngọc Viễn Đông trước 1975. Viết về anh, tôi muốn góp phần tư liệu của một người bạn, một chiến hữu đã một thời sống chết cùng ông.Và để cho bạn đọc hiểu rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã sản sinh một nhà thơ có một bài thơ bất hủ “ Kỷ Vật Cho Em “ bất tử trong lòng người dân miền Nam Việt Nam..

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn đã cho mọi người đọc một bài viết , thật chính xác , và chi tiết

    Trả lờiXóa