Bài của Đỗ Xuân Tê
Một trong những bài hát được lính và người yêu của lính yêu
chuộng nhất vào đầu thập niên 70 phải nói là bài ”Kỷ Vật Cho Em”. Tuy được yêu
thích, nhưng bài hát cũng gây nhiều tranh cãi. Tranh cãi về nội dung, xôn xao
về tác giả và nếu không có cách nhìn cởi mở của một ông tướng đầu ngành tâm lý
chiến thì bài hát đã nằm chung trong danh sách những bài hát bị cấm phổ biến
trong quân đội.
Xét về nội dung, có dư luận bênh vực thì cho nó là ‘câu trả
lời’ trung thực cho một thời mà những số phận phải mang màu áo lính, hoặc trở
thành xanh cỏ vĩnh viễn đi vào huyền thọai của những anh hùng không tên, hoặc
đỏ ngực mang theo thương tật trở về rồi đi dần vào quên lãng. Tuy nhiên trong
thời chiến, nếu nhìn từ góc độ của những người làm công tác binh vận để nâng
cao tinh thần binh sĩ thì bài hát cứ hiểu theo lời ca phần nào có làm ‘nản lòng
chiến sĩ’, từ đó nó được đề nghị xếp vào loại nhạc phản chiến.
Với tư cách một người lính và có dịp trực tiếp làm công tác
văn nghệ trong quân đội, tôi có vài kỷ niệm về bài hát này mà chẳng cần dấu
diếm đó là bài hát tôi rất yêu thích. Sau này khi tàn cuộc chiến nó lại là bài
hát ‘ruột’ của tôi khi hát cho nhau nghe từ trong các trại tù cải tạo, kể cả
đôi khi nhảy dù vào “biệt khu tướng lãnh” để cùng hát với ngón đàn guitar của
tướng Lê minh Đảo ở trại Nam Hà.
Về xuất xứ của bài hát nghe nói “Kỷ vật cho Em” là tên của
một bài thơ mà tác giả là Linh Phương. Bài thơ chính gốc của nó có cái tựa “Để
Trả Lời Một Câu Hỏi” được đăng trên Nhật báo Độc Lập vào đầu 70. Về sau nhờ bàn
tay phù thủy của nhà phổ nhạc Phạm Duy nên cả thơ lẫn nhạc đã được thăng hoa và
bài hát trở thành phổ cập. Nói về bối cảnh thì bài hát được ra đời giữa lúc
chiến trường miền nam vô cùng sôi động. Chiến tranh không chỉ trải dài từ Quảng
trị tới Cà Mâu mà đã lan qua tới Hạ Lào, Kam puchia để rồi con số tổn thất nếu
tính từ những người lính đã nằm xuống, được tải thương về hậu cứ, mang thương
tật trở về nhà làm cho những kẻ ở hậu phương phải xót xa chóng mặt. Đó cũng là
lý do nhà thơ đưa ra câu hỏi, Em hỏi anh bao giờ trở lại /Xin trả lời mai mốt
anh về được nhắc đi nhắc lại trong bài thơ chỉ vỏn vẹn 24 câu. Mai mốt là
bao giờ, mai mốt có thể là thiên thu, cũng có thể là khi tàn cuộc chiến, mà
cuộc chiến thì biết bao giờ tàn. Chính vì chưa tìm ra ẩn số cho câu hỏi của bài
thơ nên nội dung bản nhạc mang nhiều âm vang ray rứt. Cứ theo tôi suy đoán thì
người phổ nhạc đã phải chọn tên “kỷ vật cho em” để thả nổi phần giải đáp cho
các số phận xoay quanh những nghiệt ngã một thời.
Bài hát cũng tài tình ở chỗ các câu thơ đựợc phổ vẫn giữ
nguyên vẹn lời thơ và thể thơ, không thêm không bớt, trừ một câu bị gạt bỏ
(‘mai anh về em sầu thê thiết’) để chuyển ý cho điệp khúc. Bài hát cũng độc đáo
dù lặp đi lặp lại 36 lần các nhóm từ, (em hỏi anh, xin trả lời, anh trở về, anh
trở lại…) nhưng bài hát không thành đơn điệu mà vẫn chuyển tải, thăng hoa đựơc
toàn bộ ý thơ. Thậm chí trong chừng mực nào đó dù người phổ nhạc có đổi câu ‘em
nhìn anh ánh mắt chưa quen’ thành ‘ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen’ cũng chỉ vì
dụng ý muốn cho người thương binh bớt phần cay đắng. Về âm điệu, bản nhạc được
PD soạn theo điệu slow rock, cung Ré trưởng rất hạp với cảm quan của thính giả
một thời. Laị được tiếng hát của Thái Thanh chắp cánh khiến cả phần thơ lẫn
nhạc làm cho người nghe đủ giới, trong cũng như ngoài quân đội phải xúc động
xót thương cho những thân phận mang màu áo lính.
Tôi còn nhớ sau khi bài hát được phát hành thì nó đựợc hâm
mộ quá sức, yêu cầu được thính giả gửi tới tấp về các đài, chiến sĩ thì yêu cầu
hát đi hát lại lại mỗi lần đi hát tiền đồn tiền tuyến, thậm chí khách mộ điệu
nơi phòng trà tụ điểm cũng hay đòi hỏi đến độ ca sĩ nào cũng thuôc bài này.
Càng về sau bài hát chẳng còn độc quyền của ai mà Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu,
Ngọc Minh, Nhật Trường – những ca sĩ một thời được lính yêu dân thích – cũng
trở thành các ca sĩ ăn khách với Kỷ Vật Cho Em.
Trong số thính giả ái mộ có một người em kết nghĩa của tôi,
một sĩ quan xuất thân từ trường Đại học chiến tranh chính trị Đà lạt lúc đó
chiến đấu tại một đơn vị Biệt Động Quân trên cao nguyên. Chuyện ái mộ thì chẳng
có gì đáng nói, nhưng trong trường hợp này, bài hát lại “quẩn” vào số phận của
hai kẻ yêu nhau. Quốc Bảo và Chi Lan là biểu tượng của một mối tình đẹp trong
thời chiến, họ yêu nhau, lấy nhau rồi xa nhau. Tôi nhớ trong tiệc cưới tại CLB
không quân Huỳnh hữu Bạc, tôi làm chủ hôn kiêm MC. Tiệc cưới có phần phụ diễn
văn nghệ và nếu ai thích có thêm cả khiêu vũ. Thời chiến cưới nhau giản dị chủ
yếu là vui, nhiều người vẫn mặc cả đồ tác chiến vì các đơn vị đang trong tình
trạng cấm trại. Trong lúc tôi đang loay hoay tiếp khách ở ngoài cửa thì tự
nhiên văng vẳng có tiếng hát… Kỷ Vật Cho Em. Tôi không tin vào tai mình bèn
chạy thẳng vào hậu trường sân khấu, trách ngay ông thượng sĩ trưởng ban nhạc,
sao lại cho chơi bản này, anh ta trả lời, tại Trung úy Bảo năn nỉ, ông bảo em
cứ cho hát kẻo chút nữa ông thầy (là tôi) sẽ cản. Lúc này người hát là ca sĩ
PHQ tôi có phần nể nên không dám cắt ngang, rút cục bài hát đã chấm dứt nhưng
chẳng ai có lòng nào để vỗ tay. Khỏi cần đoán cũng hiểu tiệc cưới bữa đó phần
nào mất vui và tôi nghĩ đây là lần duy nhất bài hát này không được nồng nhiệt
tán thưởng chỉ vì lý do hát nhầm… địa chỉ.
Chuyện một năm sau, chiến trường Tây nguyên đang là mùa hè
đỏ lửa. Sau một cuộc chạm trán ác liệt với quân chính qui Bắc Việt, Đaị đội phó
CTCT Hoàng quốc Bảo đã anh dũng bỏ mình tại mặt trận Chư P’rong. Cánh quân của
Bảo chỉ kịp rút, không mang được xác của Bảo ra. Ba ngày sau, quá thương đồng
đội, cấp chỉ huy mở tiếp hành quân cướp xác. Hỏa lực địch quá mạnh, đơn vị của
Bảo chịu bỏ cuộc. Quốc Bảo không trở về bằng ‘hòm gỗ cài hoa”, cũng chẳng được
tải thương “trên trực thăng sơn màu tang trắng” như nội dung bài hát anh hằng
ưa thích. Q. Bảo nằm lại với núi rừng để Chi Lan trở thành góa phụ, dù không
nhận được xác chồng nhưng vẫn ‘chít khăn tang trên đầu vôi vã’ rồi với thời
gian cố quên đi kỷ niệm chăn gối một thời. Hai số phận, một bài hát, nỗi tiếc
thương mất mát khôn nguôi là cái giá phải trả cho những kẻ yêu nhau trong thời
chiến.
“Kỷ vật cho em” đã đi vào huyền thoại. Cuộc chiến chấm dứt,
nhưng bài hát vẫn còn được yêu cầu trong các trại tù cải tạo mỗi khi có dịp
cùng nhau lén lút ca hát nhạc vàng. Đến khi ra hải ngoại, ca khúc “anh trở về
có khi là hòm gỗ cài hoa” vẫn được đặc biệt trân trọng mỗi khi có các cuộc họp
mặt hội đoàn, các lễ kỷ niệm tôn vinh chiến sĩ, các đại nhạc hội tri ân thương
phế binh, các buổi hội ngộ nhóm tù cải tạo…làm thính giả gợi nhớ ra riết nét
hào hùng bi tráng của những người lính đã một thời sống chết cho quê hương. Bất
giác tôi lại nghĩ không hiểu nhà thơ Linh Phương hiện ở nơi nao, nếu được xin
anh cho một sáng tác mới “Kỷ Vật Cho Em II” như một lời ai điếu cho những số
phận bỏ mình trong các trại tù lao cải nơi thâm sâu cùng cốc, nơi góc núi chân
đồi, dù kỷ vật không còn là ’những viên đạn đồng đen’ mà chỉ là ‘những chiếc
lựơc nhôm, những chiếc trâm cài trên tóc’ để riêng tặng những người vợ, người
yêu của những người tù cải tạo và những người thân của họ đã vĩnh viễn ở lại
với núi rừng. Ngày chồng con họ ra đi, trả nợ cho cái nghiệt ngã oan khiên sau cuộc
chiến, những tưởng mươi bữa nửa tháng lại về, nhưng rồi sơn khê cách biệt, mười
năm hai mươi năm bặt vô âm tín…Họ cũng muốn đặt câu hỏi “Em hỏi Anh bao giờ trở
lại?” nhưng câu trả lời chả biết hỏi ai….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét